Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - bước ngoặc to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam



Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến sâu sắc. Trên thế giới, chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc. Các nước tư bản đế quốc gia tăng các hoạt động xâm lược và áp bức nhân dân các dân tộc thuộc địa. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt. Bên trong các nước tư bản thì tăng cường bóc lột nhân dân lao động, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa.

Năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, chủ nghĩa Mác-Lênin từ lý luận trở thành hiện thực, là nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tháng 3-1919, Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) ra đời thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta và thi hành chính sách cai trị thực dân ở Việt Nam, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành một xứ thuộc địa nửa phong kiến, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi sâu sắc.

Thực dân Pháp cấu kết với giai cấp địa chủ để thực hiện chính sách bóc lột tàn bạo, cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền; ra sức vơ vét tài nguyên, cùng nhiều hình thức thuế khóa nặng nề và tiến hành chính sách ngu dân. Các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội Việt Nam đều mang thân phận người dân mất nước và đều bị thực dân áp bức, bóc lột, chèn ép nên đều căm phẫn thực dân Pháp. Do đó, mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam lúc này là mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ và phong kiến; mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược.

Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đấu tranh của nhân dân ta diễn ra liên tục và mạnh mẽ như phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Bái, phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… nhưng đều chưa thành công. Xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. 

Dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 05-6-1911 Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới.

Qua quá trình bôn ba đến nhiều nước, Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu nhiều cuộc cách mạng, nhiều lý thuyết cách mạng trên thế giới để tìm đường cứu nước cho nhân dân ta, dân tộc ta. Đến tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L'Humanité) của Pháp và cũng chính từ đây đã giải đáp cho Người con đường đấu tranh giành độc lập tự do thực sự cho dân tộc, cho đồng bào mình, Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất chính là chủ nghĩa Lênin”.

Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp với tư cách đại biểu Đông Dương, đã bỏ phiếu tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Người tập trung chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng thời gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc).

Như vậy, từ bối cảnh quốc tế, trong nước; việc tìm ra con đường cứu nước cho nhân dân ta, dân tộc ta, tìm ra lý luận cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc và công tác chuẩn bị về tổ chức, cán bộ mà từ cuối năm 1929, đầu năm 1930, những điều kiện cho sự ra đời của một Đảng vô sản ở Việt Nam đã chín muồi.

Nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, từ tháng 6-1929 đến tháng 01-1930 ở Việt Nam lần lượt xuất hiện 3 tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Tuy nhiên ở một nước có tới 3 tổ chức cộng sản nên không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, khó thống nhất về tư tưởng và hành động. Yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam là cần phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ ngày 06-01 đến ngày 07-02-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng. Trong đó, Chánh cương vắn tắt của Đảng và sách lược vắn tắt của Đảng phản ánh nội dung cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng. Sau này tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) quyết nghị lấy ngày 03-02 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của các chiến sỹ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc.

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời, đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam; đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam và qua 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, toàn dân tộc Việt Nam, lấy lý luận chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động đã lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đúng như nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

                                                                                    Công Sang

 


Thống kê truy cập

Đang online: 11
Hôm nay: 125
Hôm qua: 866
Tháng này: 32,557
Tháng trước: 60,075
Lượt truy cập: 1,692,585
Quảng Trị
+35
°
C
Cao:+36
Thấp:+25
Thỉnh thoảng có nắng