Tham luận "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa con người"


THAM LUẬN

Diễn đàn Chi bộ năm 2023 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

 

          Người tham luận: Trần Văn Vũ

          Tổ: Văn hóa - Thể dục thể thao

 

          Kính thưa đồng chí Bí thư Chi bộ !

          Thưa các đồng chí.

Tại Diễn đàn Chi bộ năm 2023 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hôm nay; Tôi xin trình bày về nội dung “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa con người”.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa con người

Hồ Chí Minh nêu văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với nhiều phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp để ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người.

“Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau, đó là: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”. Theo một nghĩa hẹp hơn, văn hóa đơn giản là trình độ học vấn của con người, thể hiện ở việc Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người phải đi học “văn hóa”, xóa mù chữ,…

Người từng viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Theo Bác, nền văn hóa dân tộc phải được xây dựng trên năm điểm lớn sau đây:

1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.

2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của Nhân dân trong xã hội.

4. Xây dựng chính trị: dân quyền.

5. Xây dựng kinh tế.

Muốn xây dựng nền văn hóa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì phải xây dựng trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, tâm lý con người.

          Hồ Chí Minh đã khẳng định, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo Người, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”.

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Con người là mục tiêu của cách mạng, nên mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của con người, có thể là lợi ích lâu dài, lợi ích trước mắt; lợi ích cả dân tộc và lợi ích của bộ phận, giai cấp, tầng lớp và cá nhân.

Không phải mọi con người đều trở thành động lực mà phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam… Chính trị, văn hóa, tinh thần là động lực cơ bản trong động lực con người. Con người là động lực chỉ có thể thực hiện được khi họ hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với nghĩa rộng, vừa nằm trong chiến lược giáo dục - đào tạo theo nghĩa hẹp.

Trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, “Trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Điều này cần được hiểu là ngay từ đầu phải đặt ra nhiệm vụ xây dựng con người có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa, làm gương, lôi cuốn xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, gia đình và của chính bản thân mỗi người.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người mới xã hội chủ nghĩa gồm hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống (Việt Nam và phương Đông). Hai là, hình thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng xã hội chủ nghĩa; có đao đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ (bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên…); có tác phong xã hội chủ nghĩa; có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng. Chiến lược “trồng người” là một trọng tâm, một bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện chiến lược “trồng người”, cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng bậc nhất. Bởi vì, giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thanh niên. Ngược lại, giáo dục tồi sẽ ảnh hưởng xấu đến thanh niên. Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ; phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. “trồng người” là công việc “trăm năm”, không thể nóng vội “một sớm một chiều”, “việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá; là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Để đẩy mạnh việc phát triển văn hóa con người hiện nay, mỗi một cán bộ đảng viên cần phải:

- Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, một lòng một dạ trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Đảng. Dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

- Có đạo đức cách mạng, có lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

- Sống theo đạo lý Việt Nam nhân ái, bao dung, hiếu thảo, khiêm tốn, trung thực, cần cù, giản dị, đoàn kết cộng đồng, hết lòng “mình vì mọi người”.

- Yêu lao động, tận tụy, quên mình, lao động bền bỉ, tự giác, sáng tạo, có ý thức tổ chức kỷ luật, ham học hỏi cầu tiến bộ, có năng lực chuyên môn tốt, có tri thức hiện đại. Đời sống văn hóa tình thần lành mạnh, phong phú.

- Không ngừng nâng cao năng lực để làm chủ bản thân, gia đình và công việc; nâng cao trình độ chuyên môn, văn hóa, khoa học kỹ thuật.

- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết với Nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

- Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.

- Có lối sống lành mạnh, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thới cũng là tình cảm, là nguyện vọng tha thiết của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam yêu nước, để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, dân chủ; dân tộc Việt Nam độc lập, tự do; Nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.   

 


Thống kê truy cập

Đang online: 47
Hôm nay: 1,331
Hôm qua: 693
Tháng này: 54,713
Tháng trước: 22,342
Lượt truy cập: 1,654,666
Quảng Trị
+35
°
C
Cao:+36
Thấp:+25
Thỉnh thoảng có nắng