Quy chế Chi tiêu nội bộ, Quản lý và sử dụng tài sản công của cơ quan


QUY CHẾ

Chi tiêu nội bộ, Quản lý và sử dụng tài sản công

của Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao huyện Hướng Hóa

 


(Ban hành kèm theo Quyết định số:     /QĐ-VHTT-TDTT  ngày    tháng    năm 2019

của Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao huyện Hướng Hóa)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

- Quy chế này quy định nguyên tắc, căn cứ, nội dung các khoản chi kinh phí quản lý hành chính được giao để thực hiện chế độ tự chủ về tài chính; quy định chế độ quản lý và sử dụng tài sản công, được áp dụng thống nhất trong đơn vị Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao huyện Hướng Hóa.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao huyện Hướng Hóa thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chế này; có trách nhiệm sử dụng kinh phí, tài sản đảm bảo có hiệu quả theo quy định của chế độ quản lý tài chính hiện hành.

Điều 2. Mục đích của Quy chế

- Nhằm thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, sử dụng kinh phí quản lý hành chính; Tạo điều kiện để đơn vị chủ động trong quản lý và sử dụng kinh phí quản lý hành chính được nhà nước giao, thúc đẩy việc sắp xếp tổ chức bộ máy có hiệu quả, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện phù hợp với hoạt động của cơ quan và góp phần nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao huyện Hướng Hóa.

- Đảm bảo cho việc sử dụng tài sản công đúng mục đích, hiệu quả. Thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng quy chế

- Quy chế xây dựng trên cơ sở các quy định chi tiêu hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và phù hợp với hoạt động của đơn vị.

- Tạo điều kiện để đơn vị và cán bộ công chức, viên chức, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

- Bảo đảm công khai minh bạch trong chi tiêu nội bộ; Các khoản chi phải đảm bảo có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định của chế độ kế toán hiện hành, phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị.

- Được thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Có ý kiến tham gia, thống nhất của Công đoàn cơ sở Trung tâm.

- Tất cả các nguồn kinh phí đều phải được theo dõi qua hệ thống sổ sách kế toán. Kế toán có trách nhiệm giúp Giám đốc thực hiện đúng chế độ chính sách, quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng chế độ quy định hiện hành.

- Việc thanh lý, xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của Nhà nước, của Bộ Tài chính và cơ quan có thẩm quyền quản lý về ngân sách.

- Những nội dung không quy định trong Quy chế này thì thực hiện chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 4. Căn cứ để xây dựng quy chế

- Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Căn cứ vào chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước, Trung tâm Văn hoá Thông tin - Thể dục thể thao huyện ban hành định mức chi tiêu nội bộ của đơn vị theo nguyên tắc không vượt quá khung định mức chi hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Căn cứ vào Quyết định dự toán chi ngân sách được UBND huyện giao để thực hiện nhiệm vụ đã được phân công.

 

CHƯƠNG II

QUY ĐỊNH VỀ KINH PHÍ, SỬ DỤNG KINH PHÍ VÀ CHI TIÊU NỘI BỘ

II. 1. Nguồn kinh phí

Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tự chủ bao gồm

- Nguồn kinh phí quản lý hành chính được ngân sách Nhà nước cấp;

- Các khoản kinh phí hợp pháp (nếu có) theo quy định của pháp luật;

- Các khoản kinh phí được điều chỉnh do điều chỉnh nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền hoặc do thay đổi chính sách tiền lương, tăng giảm biên chế hoặc thay đổi định mức phân bổ dự toán ngân sách nhà nước.

Điều 6. Nguồn kinh phí giao nhưng không thực hiện chế độ tự chủ bao gồm

- Nguồn kinh phí do Ngân sách nhà nước cấp để chi hoạt động chung của Trung tâm Văn hoá thông tin - Thể dục thể thao huyện;

- Chi mua sắm sửa chữa lớn tài sản cố định trang cấp thiết bị, phương tiện làm việc được cấp có thẩm quyền giao;

- Chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, các chương trình mục tiêu quốc gia, tinh giản biên chế, kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các nhiệm vụ khác;

- Các khoản trợ cấp khó khăn do Ngân sách nhà nước cấp bổ sung ngoài định mức (nếu có).                                                                                                     

II.2. Sử dụng kinh phí và chi tiêu nội bộ

Điều 7. Chi các khoản thanh toán cho cá nhân

- Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp gồm: Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Kinh phí công đoàn, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân chi theo chế độ quy định;

- Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương, tiền hưởng phúc lợi tập thể tăng thêm do sử dụng kinh phí quản lý hành chính của cơ quan tiết kiệm được.

Điều 8. Thanh toán làm thêm giờ

1. Nguyên tắc:

- Việc làm thêm giờ được thực hiện khi thực sự cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch công tác ngoài chỉ tiêu, định mức được giao; hoặc thực hiện công tác đột xuất, trực cơ quan ngày lễ, tết; hoặc làm thêm do thiếu biên chế (ngoại trừ đặc thù công việc của các Viên chức là Kỹ thuật viên phải trực kỹ thuật phát thanh, truyền hình).

- Không áp dụng thanh toán làm thêm giờ đối với thời gian làm thêm để hoàn thành chỉ tiêu định mức công việc được giao theo ngày công đã hưởng lương, thời gian đi công tác trên đường vào ngày nghỉ. 

- Không đề nghị thanh toán làm thêm giờ đối với khoảng thời gian trước và sau giờ hành chính.

- Không thanh toán làm thêm giờ đối với ngày nghỉ Lễ, Tết, ngày Chủ nhật, trừ trường hợp trực cơ quan theo lịch trực hoặc có lệnh đột xuất làm việc do cấp trên và Lãnh đạo Trung tâm yêu cầu bằng văn bản.

- Thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động: bố trí làm thêm không quá quy định trong năm, không quá 08 giờ/ngày/người (đối với ngày nghỉ); Không thanh toán làm thêm giờ trong trường hợp người lao động kê khai làm thêm dưới 01 giờ/ngày.

2. Thủ tục thanh toán:

- Sau khi kết thúc tháng làm việc, nếu có làm thêm giờ thì người lao động lập bản đề nghị thanh toán làm thêm giờ trình tổ trưởng, lãnh đạo phụ trách trực tiếp ký xác nhận, trình thủ trưởng đơn vị duyệt; trong đó bắt buộc phải kê khai số lượng công việc trong tiêu chuẩn định mức đã hoàn thành hoặc đã hoàn thành công việc được giao; Số lượng công việc làm vượt định mức hoặc thời gian được yêu cầu làm thêm đột xuất, làm thêm do thiếu biên chế.

- Giám đốc và các Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực căn cứ vào số biên chế thiếu, khối lượng công việc phải giải quyết để quyết định bố trí người làm thêm giờ cho phù hợp bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, đúng quy định hiện hành của nhà nước và tiết kiệm kinh phí.

- Mọi trường hợp đến cơ quan làm việc ngoài giờ đều phải đăng ký bằng văn bản (theo mẫu) với bộ phận hành chính và được sự đồng ý của tổ trưởng, lãnh đạo phụ trách và thủ trưởng đơn vị; ghi rõ thời gian, địa điểm, tên người lao động, tên công việc, lý do làm thêm, khối lượng công việc làm thêm để bộ phận hành chính bố trí điện, nước, bảo vệ trực cơ quan. Người lao động khi đến làm thêm giờ ký xác nhận tổng số giờ làm thêm vào bản đăng ký làm thêm nêu trên.

- Bảo vệ cơ quan ghi chép vào sổ trực bảo vệ tên người và thời gian đến làm thêm. Người lao động lập phiếu đề nghị thanh toán làm thêm (theo mẫu) có xác nhận của các bộ phận liên quan, mỗi tháng một lần, gửi bộ phận kế toán trước ngày mồng 05 tháng liền kề để thanh toán. 

Điều 9. Chế độ Bảo hiểm xã hội và nghỉ phép năm

1. Bảo hiểm xã hội:

- Chi trả bảo hiểm xã hội (không trả lương) cho người lao động nghỉ ốm, nghỉ thai sản, tai nạn căn cứ vào các loại giấy phép cho nghỉ của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm và các văn bản khác có liên quan.

- Trong trường hợp đặc biệt người lao động nghỉ làm việc vì những lý do nêu trên mà không có giấy phép cho nghỉ của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thì chỉ được thanh toán chế độ khi có quyết định của Giám đốc trong đó ghi rõ mức hưởng và nguồn kinh phí để chi trả (quỹ tiền lương, nguồn kinh phí tiết kiệm).

2. Phép năm:

- Đối tượng được hưởng gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động  đã có thời gian công tác trên 01 năm, cán bộ nhân viên đến nhận công tác tại đơn vị đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ phép (Theo Thông tư 141/2011/TT-BTC ngày 20/11/2011 của Bộ Tài chính);

- Người lao động đủ điều kiện được hưởng chế độ nghỉ phép hàng năm thì Giám đốc Trung tâm phải có trách nhiệm bố trí sắp xếp công việc, thời gian cho người lao động nghỉ phép theo chế độ quy định. Nghỉ phép hàng năm theo chế độ là quyền lợi của cán bộ công chức viên chức, người lao động. Thủ trưởng đơn vị bố trí lịch nghỉ hợp lý trên cơ sở đăng ký của cá nhân và kế hoạch công tác của đơn vị.

Điều 10. Chế độ công tác phí 

1. Căn cứ chi:

- Căn cứ Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chhội nghị; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 29/7/2017 của HĐND tỉnh;  Quyết định số: 15/2017/QĐ-UBND ngày 09/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ Hội nghị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;

2. Điều kiện chi:

- Thực hiện đúng nhiệm vụ được giao; Được Giám đốc Trung tâm cử đi công tác.

- Có đầy đủ hoá đơn chứng từ để thanh toán theo quy định (trừ các trường hợp được phép thanh toán theo phương thức khoán).

- Thủ trưởng đơn vị xem xét, cân nhắc khi cử cán bộ đi công tác (về số lượng người và thời gian đi công tác) bảo đảm hiệu quả công tác, sử dụng kinh phí tiết kiệm và trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm được cơ quan có thẩm quyền giao. Chế độ công tác phí được thanh toán khi đi công tác trong nội tỉnh có khoảng cách 10km trở lên đối với khu vực hải đảo, vùng núi khó khăn, vùng sâu và từ 15 km trở lên đối với các vùng còn lại.

3. Những trường hợp sau đây không được thanh toán công tác phí:

- Thời gian điều trị, điều dưỡng tại cơ sở y tế, nhà điều dưỡng, nhà dưỡng sức;

- Những ngày học ở trường, lớp đào tạo tập trung dài hạn, ngắn hạn đã được hưởng chế độ đối với cán bộ đi học;

-  Những ngày làm việc riêng trong thời gian đi công tác;

- Những ngày được giao nhiệm vụ thường trú hoặc biệt phái tại một địa phương hoặc cơ quan khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

4. Thủ tục thanh toán công tác phí:

Người đi công tác chỉ được thanh toán công tác phí khi có đủ các giấy tờ hợp lệ sau đây:

- Đối với Lãnh đạo Trung tâm thì căn cứ vào lịch công tác tuần, kế hoạch tháng, các văn bản triệu tập, mời của các cơ quan, đơn vị đã lưu tại Bộ phận Tổng hợp - Hành chính.

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác phải có: Quyết định hoặc văn bản cử đi công tác của người có thẩm quyền, quyết định hoặc văn bản đó phải ghi rõ mục đích hoặc kế hoạch, địa điểm, thời gian công tác; Ngoài ra các loại văn bản như: giấy mời, giấy triệu tập tham dự hội nghị, hội thảo, dự họp của các cơ quan hữu quan có phê duyệt của Lãnh đạo Trung tâm cũng có giá trị như quyết định cử đi công tác

- Giấy đi đường theo mẫu số C16-H (ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

- Giám đốc Trung tâm chỉ cấp giấy đi đường cho người đi công tác khi có quyết định hoặc văn bản cử đi công tác của người có thẩm quyền. Hành chính, Văn thư căn cứ lệnh cử đi công tác cấp Giấy giới thiệu và Giấy đi đường, ghi đầy đủ thông tin khi cấp.

- Người đề nghị thanh toán phải ghi đầy đủ nội dung theo mẫu in sẵn trên giấy đi đường bao gồm: Địa điểm; Ngày, giờ đi và về; Phương tiện đi; Chữ ký của Thủ trưởng đơn vị trước khi đi, xác nhận của người có thẩm quyền và đóng dấu của nơi đến công tác hoặc khách sạn, nhà khách nơi lưu trú (phù hợp với địa điểm đến công tác đã ghi trong Quyết định hoặc văn bản cử đi công tác), chữ ký xác nhận sau khi về (sau khi về 03 ngày) của Thủ trưởng đơn vị. Lãnh đạo Trung tâm hoặc Trưởng đoàn công tác (nếu đi theo đoàn) ký xác nhận số ngày thực tế đi công tác kể cả thời gian đi trên đường và thời gian công tác của cán bộ trong đơn vị hoặc thành viên trong đoàn.

- Nếu đi công tác bằng xe ô tô của cơ quan bố trí thì: người sử dụng xe ghi tên lái xe vào giấy đi đường của mình, người lái xe phải lấy chữ ký xác nhận của người sử dụng xe về số ngày đi công tác thực tế. Nếu đi bằng phương tiện giao thông khác phải có vé hoặc hoá đơn thu tiền hợp pháp (ngày, giờ ghi trên vé phải phù hợp với thời gian được cử đi công tác).

- Liệt kê nội dung đề nghị thanh toán công tác phí bao gồm: tiền thuê phương tiện (nếu có), tiền khoán hoặc thuê nơi nghỉ, tiền phụ cấp lưu trú.

- Trường hợp người đi công tác là Giám đốc Trung tâm thì người có thẩm quyền ký xác nhận đi, về, thời gian công tác thực tế để thanh toán là các Phó Giám đốc

- Hoá đơn dịch vụ nếu có (như cước vận chuyển tài liệu,…).

- Hoá đơn phòng nghỉ hợp pháp (trong trường hợp thanh toán theo giá thuê phòng thực tế), người đi công tác khi nhận hoá đơn trả tiền phòng nghỉ phải yêu cầu người viết hoá đơn ghi rõ tên số phòng nghỉ, số lượng ngày, đêm nghỉ và đơn giá thuê phòng. Nếu đi công tác theo đoàn thì ngoài hoá đơn tiền nghỉ còn phải có chữ ký xác nhận của từng người trong đoàn vào bảng kê tên số phòng nghỉ, số đêm nghỉ kèm theo.

- Không thanh toán làm thêm giờ trong thời gian đi công tác.

5. Thời hạn thanh toán:

- Sau khi kết thúc chuyến công tác, người đi công tác phải làm thủ tục thanh toán công tác phí và tiền tạm ứng đi công tác (nếu có). Nếu đi công tác theo đoàn bằng xe ô tô cơ quan thì thanh toán công tác phí một lần cho cả đoàn sau chuyến công tác (kể cả công tác phí của lái xe, vé và lệ phí cầu, đường, phà đối với xe).

- Thanh toán công tác phí trong vòng 30 ngày (không kể ngày nghỉ) tính từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ đề nghị thanh toán; nếu vì lý do nào đó chậm thanh toán thì phải thông báo cho người được thanh toán biết và hẹn ngày thanh toán tiếp theo (thời hạn chậm thanh toán không quá 03 ngày kể từ ngày thông báo chậm thanh toán).

- Lãnh đạo đơn vị không thanh toán nếu các chứng từ không hợp lệ theo quy định hoặc đề nghị thanh toán chậm quá 30 ngày kể từ khi kết thúc chuyến công tác.

Điều 11. Thanh toán công tác phí

1. Thanh toán phụ cấp lưu trú ngoại tỉnh: Mức phụ cấp lưu trú đi công tác ngoại tỉnh: 200.000đồng/ngày/người. Trường hợp đi công tác về trong ngày: 150.000đồng/ngày/người.

2. Mức phụ cấp lưu trú nội tỉnh: Thanh toán đối với địa điểm công tác cách Trụ sở cơ quan từ 10km trở lên (đối với các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ) và từ 15km trở lên (đối với các xã còn lại).

- Các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn: 150.000đồng/ngày/người. Trường hợp đi về trong ngày: 110.000đồng/ngày/người

- Đối với các xã còn lại: 120.000đồng/ngày/người. Trường hợp đi về trong ngày: 90.000đồng/ngày/người

- Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên bin, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú: 250.000 đồng/người/ngày.

3. Thanh toán theo hóa đơn thực tế:

- Đi công tác ở quận, huyện, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh: Thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa là 800.000 đng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 02 người/01 phòng.

- Đi công tác tại các vùng còn lại: Thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa là 600.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 02 người/01 phòng.

4. Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ đi công tác nội tỉnh: Thanh toán trong trường hợp đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và từ 15 km trở lên (đối với các xã còn lại).

-  Thanh toán theo hình thức khoán: Thanh toán 150.000 đồng/ngày/người.

-  Thanh toán theo hóa đơn thực tế: Thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa là 400.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 02 người/01 phòng.

6. Thanh toán tiền phương tiện đi công tác:

- Người đi công tác được thanh toán tiền phương tiện đi lại bao gồm: tiền thuê phương tiện chiều đi và về (từ nhà đến sân bay, ga tầu, bến xe, bến tầu); máy bay, vé tàu xe vận tải công cộng từ cơ quan để di chuyển đến nơi công tác và theo chiều ngược lại; Tiền đi lại tại địa phương nơi công tác: từ chỗ nghỉ đến chỗ làm việc, từ sân bay, ga tàu, bến xe về nơi nghỉ (lượt đi và lượt về); Cước qua phà, qua đò cho bản thân và phương tiện của người đi công tác; Phí sử dụng đường bộ và cước chuyên chở tài liệu phục vụ cho chuyến công tác (nếu có) mà người đi công tác trực tiếp chi trả. Trường hợp Lãnh đạo Trung tâm bố trí xe ô tô thì người đi công tác không được thanh toán các khoản phí này.

- Trường hợp đi công tác bằng các phương tiện giao thông khác:

+ Trong trường hợp không bố trí được xe ô tô đưa đón, người đi công tác sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nếu có đủ vé tàu, vé xe hợp lệ thì được thanh toán tiền tàu xe theo giá cước thông thường (giá không bao gồm các dịch vụ khác như: thăm quan du lịch, tiền ăn, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu...).

+ Đối với những vùng không có phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật mà người đi công tác phải thuê phương tiện vận tải khác thì được thanh toán tiền thuê phương tiện căn cứ vào hợp đồng thuê hoặc giấy biên nhận của chủ phương tiện (có tính đến giá vận tải phương tiện khác đang thực hiện cùng thời điểm tại vùng đó cho phù hợp).

+ Đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động không có tiêu chun được bố trí xe ô tô khi đi công tác, khi đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với các xã thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và từ 15 km trở lên (đối với các xã còn lại) mà tự túc bng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoản tiền bng 0,2 lít xăng/km, theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm đi công tác.

7. Thanh toán khoán tiền công tác phí theo tháng: Đối với cán bộ, cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên đi lại, hội họp, giao dịch công tác trong khoảng cách không quy định thanh toán công tác phí, ví dụ: Giám đốc, Phó Giám đốc thường xuyên tham gia hội họp ở huyện, hướng dẫn, kiểm tra công tác tại các xã, thị trấn; Kế toán thường xuyên giao dịch Tài chính, Kho bạc; cán bộ Tổng hợp, Văn thư thường xuyên đưa gửi công văn, phóng viên thường xuyên chủ động lấy, tìm, cập nhật tin tức phục vụ chương trình tin tức địa phương; viên chức thường xuyên kiểm tra… (ngoài việc được phân công đi công tác theo kế hoạch được thanh toán) với mức khoán:

- Giám đốc: 400.000đ/ tháng

- Phó Giám đốc, Kế toán: 300.000đ/ tháng

- Cán bộ Tổng hợp, Văn thư, Phóng viên: 200.000đ/ tháng

- Cán bộ, công chức, viên chức còn lại: 100.000đ/tháng.

Điều 12. Chế độ thanh toán vật tư văn phòng, hàng hoá phục vụ chuyên môn                                                         

Việc mua sắm và sử dụng vật tư văn phòng, hàng hoá phải bảo đảm đủ vật tư văn phòng phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ nhưng hết sức tiết kiệm; Thanh toán vật tư văn phòng, hàng hoá phục vụ chuyên môn ngoài định mức chung còn chi phí theo thực tế phát sinh tại đơn vị.

Điều 13. Chế độ thanh toán điện thoại

Điện thoại cơ quan chỉ phục vụ cho hoạt động của đơn vị, nếu cán bộ công chức, viên chức, người lao động sử dụng điện thoại cơ quan cho mục đích cá nhân thì phải bồi hoàn công quỹ hoặc trừ vào lương.

Điều 14. Chế độ Hội nghị

- Nguyên tắc chi hội nghị, công tác tập huấn nghiệp vụ:

  + Thực hiện chi cho các hội nghị theo đúng qui định hiện hành tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

  + Căn cứ vào tính chất của từng hội nghị, Hành chính - Tổng hợp lập kế hoạch kinh phí phục vụ hội nghị và trình Lãnh đạo Trung tâm phê duyệt;

- Mức chi:

  + Chi in ấn tài liệu thanh toán theo thực tế;

  + Chi giải khát giữa giờ: 20.000 đồng/ngày/đại biểu;

- Chi mua hoa, trang trí phòng họp, hội trường và các khoản khác thanh toán theo thực tế;

  + Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu là khách mời không có trong danh sách trả lương của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (không phân biệt địa điểm tổ chức): 100.000 đồng/ngày/người.

  Điều 15. Chi đón tiếp khách

  - Thực hiện theo quyết định số 2694/QĐ-UBND ngày 31/12/2010 của UBND tỉnh Quảng Trị.

- Khi tiếp khách và chi khác phải được sự đồng ý của Thủ trưởng đơn vị, không được dùng kinh phí ngân sách nhà nước để thăm hỏi, biếu tặng.

- Tuỳ từng đoàn khách cụ thể việc tổ chức đón phải trang trọng, không phô trương hình thức, thành phần tham dự là những người trực tiếp liên quan, không sử dụng ngân sách mua quà tặng đối với các đoàn khách đến làm việc.

- Khi có các đoàn khách đến làm việc, căn cứ thành phần, tính chất, thời gian làm việc, Bộ phận Hành chính - Tổng hợp xây dựng kế hoạch chi tiết trình Lãnh đạo Trung tâm đồng ý phê duyệt; Đồng thời thực hiện công tác lễ tân, phòng họp, khánh tiết, chuẩn bị phục vụ.

- Không mời cơm thân mật các đoàn khách đến làm việc tại đơn vị; ngoại trừ khách ngoại tỉnh, cấp tỉnh, các huyện, thị, già làng, trưởng bản đến làm việc với mức chi tối đa 150.000đ/suất.

 

CHƯƠNG III

SỬ DỤNG KINH PHÍ HÀNH CHÍNH TIẾT KIỆM

Điều 16. Xác định kinh phí hành chính tiết kiệm

- Kết thúc năm ngân sách, sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ công việc được giao, nếu số chi thực tế thấp hơn dự toán kinh phí quản lý hành chính được giao thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí hành chính tiết kiệm được.

- Khoản kinh phí đã được giao thực hiện công việc trong năm nhưng chưa hoàn thành phải được chuyển sang năm sau để hoàn thành công việc đó, không được xác định là kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được.

Điều 17. Các nội dung sử dụng kinh phí tiết kiệm

- Bổ sung thu nhập cho người lao động bảo đảm nguyên tắc gắn với hiệu quả và chất lượng công việc; người nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn. Mức bổ sung thu nhập theo hệ số tăng thêm quỹ tiền lương  nhưng tối đa không quá một lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ của người lao động do nhà nước quy định; 

- Trường hợp số tiền cơ quan đã tạm ứng trước kinh phí tiết kiệm để chi trong năm ít hơn số kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được thì số kinh phí tiết kiệm còn lại được chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động. Căn cứ vào số tiền tiết kiệm còn lại trong năm, Giám đốc quyết định hệ số trả thu nhập tăng thêm sau khi thống nhất với Ban chấp hành Công đoàn cơ quan.  

-  Chi cho các hoạt động phúc lợi trong cơ quan;

- Chi trợ cấp khó khăn đột xuất cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;

- Chi khen thưởng theo kết quả đơn vị bình xét kết quả công tác của người lao động  theo các mức A, B, C để trả thu nhập tăng thêm bảo đảm công bằng.

- Lập Quỹ ổn định thu nhập.

Điều 18. Chi hỗ trợ kinh phí từ Quỹ phúc lợi

- Đối tượng hỗ trợ: Cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm, các cá nhân, đơn vị có quan hệ hỗ trợ trong công tác với Trung tâm Văn hoá Thông tin - Thể dục thể thao huyện.

- Chi hỗ trợ trong phạm vi nguồn kinh phí cho phép, được bàn bạc thống nhất trong lãnh đạo.

- Chi hỗ trợ cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các ngày nghỉ lễ, tết được Nhà nước quy định.

1. Chi hỗ trợ từ quỹ phúc lợi nhân dịp ngày lễ, tết với mức chi:        

- Các ngày kỷ niệm, sự kiện trong năm (ví dụ ngày 08/3, 20/10…) số tiền hỗ trợ không vượt quá 200.000đ/lễ/người;

- Các ngày lễ trong năm (ví dụ ngày Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4, 01/5…) số tiền hỗ trợ không vượt quá 300.000đ/lễ/người;

- Tết Dương lịch và tết Nguyên đán số tiền hỗ trợ không vượt quá 3.000.000đ/tết/người;

- Ngày truyền thống các ngành thuộc đơn vị quản lý số tiền hỗ trợ không vượt quá 1.000.000đ/người;

2. Chi hỗ trợ từ quỹ phúc lợi cho đám tang với mức chi:

- Cán bộ công chức, viên chức, người lao động có thân nhân qua đời (vợ hoặc chồng; con; bố mẹ đẻ; bố mẹ vợ hoặc chồng)  được cơ quan bố trí 1 chuyến xe (nếu có nhu cầu) hoặc thanh toán tiền tàu xe thực tế theo tiêu chuẩn chế độ công tác phí hiện hành. Mỗi đám tang khi cần thiết (tùy theo cự ly từ cơ quan đến nới tổ chức đám tang), bộ phận Hành chính tham mưu bố trí xe ô tô chở cán bộ được cử đi viếng. Trong trường hợp cần thiết, phải sử dụng nhiều xe hơn, bộ phận Hành chính tham mưu đề xuất để Lãnh đạo đơn vị quyết định;

- Chi viếng cán bộ công chức, viên chức, người lao động qua đời là  1.000.000đồng/người kèm theo 01 vòng hoa của đơn vị.

- Chi viếng đám tang thân nhân của cán bộ công chức, viên chức, người lao động 500.000 đồng/người kèm theo 01 vòng hoa của đơn vị.

- Chi viếng cán bộ hưu trí nguyên là cán bộ công chức, viên chức, người lao động và thân nhân (vợ hoặc chồng) qua đời là 500.000 đồng/người và 01 vòng hoa của đơn vị.

- Chi viếng thân nhân của các cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị có quan hệ công tác trực tiếp với Trung tâm qua đời với mức là 300.000đồng/người (tùy theo từng trường hợp để kèm theo 01 vòng hoa).

3. Chi hỗ trợ từ quỹ phúc lợi cho các cháu thiếu niên, nhi đồng là con em cán bộ công chức, viên chức, người lao động:

- Chi tặng quà bằng tiền hoặc hiện vật cho các cháu thiếu niên, nhi đồng (dưới 16 tuổi) là con cán bộ công chức, viên chức, người lao động nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6), Tết Trung thu hành năm với mức không quá 100.000 đồng/cháu.

- Chi khen thưởng bằng tiền hoặc hiện vật cho con của cán bộ công chức, viên chức, người lao động (từ mầm non đến trung học phổ thông) đạt thành tích trong năm học hoặc đạt các giải thưởng khác (về khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao...) với các mức (các cháu đạt đồng thời nhiều mức khen thưởng khác nhau thì được nhận phần thưởng ở mức khen thưởng cao nhất) như sau:

+ Học sinh trúng tuyển Đại học: 500.000 đồng/cháu;

+ Học sinh giỏi: 150.000 đồng/cháu;

+ Học sinh tiên tiến, cháu ngoan Bác Hồ (mầm non): 100.000 đồng/cháu;

+ Học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện: 200.000đồng/cháu;

+ Học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh: 400.000đồng/cháu;

+ Học sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia: 1.000.000 đồng/cháu;

+ Học sinh đạt các giải Quốc tế: 2.000.000 đồng/cháu.

- Chi khen thưởng bằng tiền hoặc hiện vật cho con của cán bộ công chức, viên chức, người lao động (học trung học chuyên nghiệp đến đại học, sau đại học) đạt thành tích trong năm học hoặc đạt các giải thưởng khác (về khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao...) với mức (các cháu đạt đồng thời nhiều mức khen thưởng khác nhau thì được nhận phần thưởng ở mức khen thưởng cao nhất): Không quá 700.000đ/cháu.

4. Chi hỗ trợ và tiền thưởng từ quỹ phúc lợi cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động (người đạt đồng thời nhiều thành tích khác nhau thì được nhận phần thưởng ở mức thưởng cao nhất):

- Chi tặng quà bằng tiền hoặc hiện vật cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động khi nhận quyết định thuyên chuyển công tác, hưu trí với mức chi 1.000.000đ/người.

- Chi hỗ trợ người lao động đi học, bồi dưỡng nghiệp vụ mà không hưởng chế độ công tác phí với mức chi 500.000đ/người.

- Chi thưởng hàng năm (dịp Hội nghị cán bộ công chức, viên chức):

  + Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh: 1.000.000đ/người;

  + Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở: 500.000đ/người;

  + Lao động tiên tiến: 200.000đ/người.

  + Đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu, đột xuất: 300.000đ - 500.000đ/người;

5. Chi hỗ trợ từ quỹ phúc lợi thăm hỏi ốm đau, thai sản 

- Chi trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động khi bị tai nạn rủi ro, bệnh nặng phải điều trị tại bệnh viện từ 10 ngày trở lên hoặc thai sản (đúng chế độ) theo đề nghị của Lãnh đạo và Chủ tịch Công đoàn Trung tâm với mức: 500.000 đồng/người/lần;

- Chi thăm hỏi cán bộ công chức, viên chức, người lao động bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại bệnh viện (hoặc ốm đau nặng nhưng điều trị ngoại trú) trên 03 ngày với mức chi: cán bộ công chức, viên chức, người lao động ốm đau: 300.000đ/người; thân nhân cán bộ công chức, viên chức, người lao động ốm đau 200.000đ/người.

6. Chi hỗ trợ từ quỹ phúc lợi để hỗ trợ các tổ chức đoàn thể: Tùy theo thực tế tình hình hoạt động của đoàn thể để chi hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ chức Công đoàn cơ sở; Tổ nữ công; Đoàn thanh niên… mức chi không quá 1.000.000đ/lượt.

Điều 19. Các khoản chi sử dụng nguồn kinh phí không giao tự chủ

Ngoài các khoản chi bằng nguồn kinh phí giao tự chủ, đơn vị sử dụng nguồn NSNN cấp không giao tự chủ theo dự toán đầu năm, hoặc nguồn kinh phí được cấp bổ sung để thanh toán theo thực tế  các khoản chi phục vụ công việc chung của đơn vị khi có chứng từ hợp pháp và đúng quy định của cấp có thẩm quyền. Bao gồm các khoản chi: phục vụ sự nghiệp Văn hoá Thông tin; sự nghiệp Phát thanh truyền hình; sự nghiệp Thể dục thể thao (tùy theo nguồn kinh phí được cấp lãnh đạo đơn vị bàn thống nhất mức chi):

- Chi tiền nước uống chi Vận động viên thi đấu 30.000đồng/ngày/người;

- Chi tiền công tập luyện 70.000đồng/ngày/người;

- Chi tiền ăn tham gia sự kiện, thi đấu: 110.000đồng/ngày/người;

- Chi tiền ngủ cho người tham gia thanh toán theo quy định;

- Chi tiền bồi dưỡng cho Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức: 150.000đ/ngày/người;

- Chi tiền bồi dưỡng cho Ban các tiểu ban chuyên môn, nghiệp vụ: 150.000đ/ngày/người;

- Chi tiền bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên y tế, công an, lực lượng làm nhiệm vụ trật tự bảo vệ và nhân viên phục vụ khác 100.000đ/ngày/người;

- Chi tiền thuê địa điểm, tiền điện, nước tại địa điểm thi đấu, tùy theo giá cả thực tế để chi trả;

- Chi tổ chức lễ khai mạc, bế mạc trang trí tuyên truyền, họp Ban tổ chức, tập huấn trọng tài; Chi tiền làm trọng tài và giám sát tùy theo các sự kiện, các giải;  Chi tiền mua sắm trang phục, vật tư và các đồ dùng khác có liên quan đến các sự kiện, các giải và các khoản kháccăn cứ thực tế kinh phí để chi trả cho phù hợp;

- Chi tiền thuê xe đưa đón diễn viên, vận động viên theo giá thực tế của thị trường.

Điều 20. Thanh toán qua tài khoản cá nhân

Thực hiện Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Công văn số 16675/BTC-KBNN ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính về việc thanh toán qua tài khoản cá nhân cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ quan chi trả qua tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động những khoản chi sau đây:

- Tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp lương sau khi đã trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của cá nhân, bảo hiểm thất nghiệp; Và các khoản tiền khác có tính chất thanh toán cho con người.

- Tiền thưởng, phúc lợi tập thể;

- Chi bổ sung thu nhập; Tiền khoán công tác phí và các khoản chi thanh toán khoán cho cá nhân khác (trừ các khoản chi không mang tính ổn định).

 

CHƯƠNG IV

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG

Điều 21. Quản lý và sử dụng công sở

Thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước; tại thời điểm ban hành Quy chế này áp dụng Quyết định số 213/2006/QĐ-TTg ngày 25/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước; Thông tư số 01/2007/TT-BXD ngày 31/01/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung của Quy chế Quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 213 nêu trên.

Điều 22. Quản lý và sử dụng điện, nước trong cơ quan

Do chưa thực hiện khoán sử dụng điện, nước trong cơ quan, vì vậy mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, mỗi đơn vị cần áp dụng các biện pháp tăng cường tiết kiệm sử dụng điện, nước. Riêng hệ thống điện tại cơ sở phát thanh - truyền hình, Nhà thi đấu thể thao, Nhà Văn hóa Vân Kiều - Pa Kô, các Trạm phát lại cần hết sức tiết kiệm, đảm bảo đủ vận hành máy móc thiết bị, đủ tổ chức các hoạt động, không để lãng phí xảy ra.

- Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động:

  + Không được sử dụng điện, nước vào việc riêng và khu tập thể, nhà công vụ;

  + Tắt các thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc. Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm;           

  + Chỉ sử dụng điều hoà nhiệt độ khi cần thiết và thường chỉ nên để chế độ mát từ 25oC trở lên. Khi sử dụng máy điều hoà phải đóng các cửa trong phòng làm việc;

- Trách nhiệm của Bảo vệ các trụ sở đơn vị:

  + Quản lý, sử dụng hệ thống chiếu sáng hành lang, trang trí cơ quan;

  + Cắt điện những khu vực không có người đăng ký làm thêm giờ để đảm bảo tiết kiệm điện.

- Trách nhiệm của Bộ phận Hành chính - Tổng hợp:

  + Nghiên cứu và tiến tới lắp đặt đồng hồ đo điện, aptomat tại các phòng làm việc và các khu vực chung để quản lý và tiết kiệm điện;

  + Kiểm tra nếu cá nhân nào không cắt các thiết bị sử dụng điện khi đã hết giờ làm việc phải nhắc nhở ngay, đồng thời thông báo công khai lên WebSite của đơn vị. Nếu vi phạm từ 3 lần trở lên thì bị hạ 1 bậc thi đua và bồi hoàn thiệt hại.

Điều 23. Quản lý, sử dụng điện thoại và cước phí bưu chính

1. Quản lý và sử dụng điện thoại cá nhân

- Tại các phòng được lắp đặt máy điện thoại cố định, Điện thoại chỉ phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ,  không sử dụng vào mục đích riêng. Khi đàm thoại cần chuẩn bị trước nội dung, nói ngắn gọn nhằm tiết kiệm chi phí. Các nội dung trao đổi dài cần chuyển sang hình thức văn bản qua hộp thư điện tử;

- Bộ phận Hành chính kiểm tra việc sử dụng điện thoại và thông báo công khai những số máy có thời gian trao đổi quá dài, hoặc trao đổi việc riêng, hoặc thưởng thức văn hoá, nghệ thuật... Nếu cá nhân nào sử dụng điện thoại của cơ quan vào việc riêng thì phải trả tiền hoặc bị trừ vào lương.

2. Cước phí bưu chính.

- Văn thư đơn vị có trách nhiệm trong việc quản lý tiết kiệm tem, bì thư; văn bản gửi trong nội bộ cơ quan không dùng phong bì và đuợc chuyển qua văn thư để chuyển tới cán bộ, công chức, viên chức,  người lao động (trừ những trường hợp là tài liệu mật);

- Bộ phận Hành chính quản lý chặt chẽ số lượng văn bản, bưu phẩm gửi đi; trường hợp cấp bách hoặc do yêu cầu đặc biệt mới được gửi khẩn, gửi đảm bảo, gửi phát chuyển nhanh. Bộ phận văn thư chỉ nhận gửi các trường hợp trên khi có giấy đề xuất ghi rõ lý do cấp thiết được Thủ trưởng đơn vị duyệt;

- Chấp hành Chỉ thị số 10/2006/CT-TTg ngày23-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ, tận dụng việc chuyển các văn bản pháp luật, các tài liệu qua mạng tin học, các phần mềm gửi nhận văn bản… để giảm bớt việc sao gửi cho các cơ quan, đơn vị.

Điều 24. Trang bị và quản lý thiết bị, máy móc, phương tiện làm việc

- Việc mua sắm trang thiết bị làm việc đến từng cán bộ, công chức, viên chức,  người lao động được thực hiện theo quy định hiện hành (tại thời điểm ban hành Quy chế này áp dụng quy định tại Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ công chức, viên chức nhà nước; Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước; Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung).

- Việc quản lý và sử dụng tài sản được thực hiện theo quy định hiện hành (tại thời điểm ban hành Quy chế này được thực hiện theo Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 52 nêu trên).

- Người lao động có trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài sản công theo quy định hiện hành. Trong trường hợp bị mất mát, hư hỏng được xử lý như sau:

  + Trường hợp tài sản giao cho cá nhân quản lý sử dụng bị mất mát thì cá nhân, đơn vị đó phải bồi hoàn (tuỳ theo loại thiết bị và giá trị của chúng để xác định hình thức bồi hoàn bằng hiện vật hay giá trị);

  + Khi tài sản được giao bị hư hỏng thì cá nhân quản lý tài sản phải báo cáo lãnh đạo phụ trách, lập giấy báo hỏng gửi cho bộ phận Hành chính, các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ liên quan, các bộ phận ký xác nhận tình trạng và nguyên nhân hư hỏng, trình Giám đốc Trung tâm để quyết định sửa chữa, thanh lý hoặc mua sắm thay thế. Trình tự thủ tục sửa chữa, thay thế, mua sắm mới được thực hiện theo quy định hiện hành.

- Trường hợp người lao động nghỉ hưu, chuyển công tác, thôi việc thì tiến hành bàn giao đầy đủ tài liệu, tài sản được giao quản lý (theo sổ sách, hồ sơ quản lý tài sản), thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với cơ quan về quản lý, sử dụng tài sản, tiền ngân sách... trước khi thực hiện quyết định.

Chương V

                                   ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Quy chế này gồm có 05 chương và 25 điều; có hiệu lực từ ngày ký Quyết định ban hành.

Khi các cấp có thẩm quyền của Nhà nước có những quy định mới mà mức chi khác với mức chi quy định tại Quy chế này đơn vị xem xét tình hình thực tế và nguồn kinh phí để thực hiện theo những quy định mới. Khi có những quy định trong Quy chế này không còn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kịp thời phản ánh, báo cáo; bộ phận Kế toán, Hành chính kịp thời tổng hợp trình Lãnh đạo, CĐCS Trung tâm.

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, phát sinh; ban Giám đốc, các Tổ trưởng,  cán bộ, công chức, viên chức và người lao động kịp thời phản ánh về bộ phận kế toán, Hành chính đơn vị để tổng hợp trình Lãnh đạo, Ban chấp hành CĐCS đơn vị xem xét, trình Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hàng năm thống nhất quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

                CHỦ TỊCH CĐCS                                           GIÁM ĐỐC

 

 

 

 

 

 

                    Lê Quốc Hải                                            Nguyễn Ngọc Tri

  


Thống kê truy cập

Đang online: 7
Hôm nay: 197
Hôm qua: 1,287
Tháng này: 31,196
Tháng trước: 60,075
Lượt truy cập: 1,691,224
Quảng Trị
+35
°
C
Cao:+36
Thấp:+25
Thỉnh thoảng có nắng