Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn
tỉnh, trong những ngày tới tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất được dự
báo còn diễn biến phức tạp. Dự báo trong giai đoạn từ ngày 03 đến ngày
10/11/2024, khu vực Quảng Trị chịu ảnh hưởng của các hình thế thời tiết xấu gây
mưa lớn gồm: Vùng xoáy thấp xuất hiện khu vực nam và giữa Biển Đông; các đợt
không khí lạnh mạnh thường xuyên được tăng cường; đới gió Đông hoạt động mạnh
trên độ cao từ 1500-5000m; cảnh báo nguy cơ xảy ra các đợt mưa lớn trên diện rộng,
đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ lớn trên báo động 3, ngập
úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi. Sau ngày 10/11, mưa lớn
trên địa bàn tỉnh còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa
lớn, kéo dài đến đầu tháng 12; thực hiện Công điện số 09/CĐ-UBND ngày
02/11/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lũ trong thời gian tới,
UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị; thành viên Ban chỉ huy phòng, chống
thiên tai và TKCN huyện; UBND các xã thị trấn và các Công ty thủy điện, điện
gió trên địa bàn huyện khẩn trương triển khai một số nội dung công việc.
Các cơ
quan, đơn vị, địa phương: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm
túc các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 02/11/2024 của UBND tỉnh
về việc chủ động ứng phó với mưa lũ trong thời gian tới; Thường xuyên theo dõi,
cập nhật thông tin cảnh báo, dự báo về mưa lũ, thời tiết xấu... để chỉ đạo phù
hợp với tình hình thực tế; thông tin đến cộng đồng để chủ động phòng tránh.
Không được chủ quan, lơ là, tránh bị động trong mọi tình huống; Tổ chức trực
ban nghiêm túc, chủ động nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời về UBND huyện,
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN huyện qua cơ quan thường trực (Phòng
Nông nghiệp và PTNT) để xử lý khi có tình huống.
Ủy ban
nhân dân các xã, thị trấn: Rà soát phương án ứng phó các cấp độ rủi ro thiên
tai, đặc biệt chú trọng phương án sơ tán, di dời dân sát với thực tế từng địa
bàn, khu vực trọng yếu; chủ động triển khai công tác sơ tán, di dời dân ra khỏi
các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét,
ngập sâu; phòng chống ngập úng vùng thấp trũng và khu vực đô thị. Kiểm tra các
phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng cứu đảm bảo sử dụng có hiệu quả.
Rà soát, triển khai công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ
sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do mưa lũ; hướng dẫn người
dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày để chủ
động trong công tác ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lũ kéo dài; Sẵn
sàng, kịp thời bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực bị
ngập lụt, chia cắt; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực
ngập sâu, nước chảy xiết, nơi dễ sạt lở đất…; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương
tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông
chính khi xảy ra mưa lớn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chủ động vận
hành các hồ, đập nhỏ được giao quản lý đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du.
Ban Chỉ
huy Quân sự huyện, Công an huyện, các Đồn Biên phòng: Chủ động bố trí lực lượng,
phương tiện sẵn sàng hỗ trợ sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức
cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn các địa phương khẩn trương huy động
phương tiện, lực lượng thu hoạch, bảo vệ lương thực, hoa màu vụ Hè Thu chưa thu
hoạch và diện tích nuôi trồng thủy sản.
Phòng
Giáo dục và Đào tạo: Thường xuyên cập nhật thông tin về thiên tai để chủ động
triển khai công tác đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Trạm Khí tượng Thủy văn Khe Sanh: Tăng cường
công tác dự báo, cảnh báo sớm, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, diễn biến
thời tiết xấu khác có thể xảy ra trong những ngày tới để các địa phương, đơn vị
liên quan biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả.
Phòng
Văn hóa và Thông tin; Trung tâm VHTT-TDTT: Thường xuyên theo dõi, đưa tin kịp
thời, chính xác về diễn biến mưa lũ, diễn biến thời tiết xấu khác và công tác
chỉ đạo ứng phó của các cấp chính quyền, các ngành để người dân biết và chủ động
phòng tránh.
Thành
viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN huyện: Căn cứ chức năng, nhiệm
vụ được giao chủ động bám sát các địa bàn để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa
phương triển khai ứng phó với diễn biến mưa lũ, diễn biến thời tiết xấu khác có
thể xảy ra trong những ngày tới.
Các
Công ty thủy điện, điện gió trên địa bàn huyện: Chủ động vận hành các công
trình tiêu thoát nước, xả lũ theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và
vùng hạ du; Khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra và có biện pháp gia cố, khắc
phục những vị trí có nguy cơ sạt lở cao, các vị trí bãi thải; Chủ động rà soát
các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai của đơn vị để có biện pháp phòng
ngừa, ứng phó.
Kim Huệ