Để ngăn chặn tình trạng săn bắt chim
hoang dã, di cư, UBND tỉnh đã có công văn gửi các cơ quan, sở, ban, ngành và
UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số
04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp
cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa
phương các cấp yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không
tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo
các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua các cá thể chim để
phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã
trái phép.
Các cơ quan thực thi pháp luật tăng cường
phối hợp thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ
chim hoang dã, các khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển,
tàng trữ, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; xử lý nghiêm các hành vi săn,
bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật
các loài chim hoang dã, di cư; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch
bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư theo đúng quy định hiện hành...
Việc săn bắt các loài chim hoang dã, di
cư dù là việc làm mang tính chất mùa vụ, nhưng đang gây ra nhiều hậu quả về môi
sinh, môi trường, đặc biệt là việc bảo vệ loài chim hoang dã, di cư đang ngày
càng hiếm dần. Nạn săn bắt chim hoang dã, di cư gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự
sinh trưởng và phát triển của một số loài chim hoang dã, di cư và làm mất cân bằng
sinh thái, phá hoại cảnh quan môi trường...
Vì vậy, cần có sự chung tay của người
dân cũng như của các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân
không săn, bắn, bẫy, bắt các loài chim hoang dã, di cư để đảm bảo cho hệ sinh
thái phát triển bền vững.
Kim Huệ