Cách
đây 78 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập
Ban Thanh tra đặc biệt. Ban Thanh tra đặc biệt có ủy nhiệm là đi giám sát tất cả
các công việc và các nhân viên của các ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính
phủ. Ngày 23/11/1945, đã đánh dấu sự ra đời và trở thành ngày truyền thống của
ngành Thanh tra Việt Nam.
Trong suốt 78 năm xây dựng, trưởng
thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của
dân tộc. Mặc dù với nhiều tên gọi khác nhau nhưng cán bộ, công chức, viên chức
ngành Thanh tra Việt Nam luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị thể hiện
được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản
lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ
và ngành Thanh tra có nhiều nỗ lực, tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm,
nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm, góp
phần phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, chấn chỉnh những sơ hở trong
công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp
phòng ngừa. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực,
trách nhiệm các cấp, các ngành được nâng lên, đã tập trung giải quyết được nhiều
vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định tình hình an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác Phòng chống tham nhũng có nhiều tiến bộ,
nhất là xây dựng thể chế, triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện tham
nhũng, phối hợp xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, từng bước tạo được lòng tin
trong nhân dân.
Thời gian tới, trong công tác thanh tra
cần bám sát kế hoạch, kịp thời, thanh tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực
dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực nhằm phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, bất cập
trong quản lý, xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực cũng như kiến nghị sửa đổi,
bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp. Chú ý nâng cao chất lượng công tác
thanh tra, bảo đảm kết luận thanh tra chính xác, khách quan, đúng pháp luật, đồng
thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra…
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố
cáo, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật và thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo
dài.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng
có giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn, để tạo chuyển biến rõ rệt. Chủ
động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa nhất là
công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời, đẩy mạnh phát hiện tham nhũng
và có biện pháp kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.
Phát huy truyền thống lịch sử vẻ
vang của ngành Thanh tra, trong thời gian tới, ngành Thanh tra quyết tâm đoàn kết
một lòng, tiếp tục phấn đấu vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
được giao, luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thanh tra là
tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, góp phần thực hiện thắng lợi các
mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.
Kim Huệ