Quyết tâm làm giàu trên quê hương mới


  

Hàng chục năm qua, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa được khá nhiều người dân từ các địa phương khác chọn làm quê hương thứ hai để lập nghiệp. Từ những ngày đầu gian khó, với bản tính cần cù, chịu khó, người dân đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu ở miền núi để đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả cao. Gia đình chị Bùi Thị Hương ở thôn Trằm, xã Hướng Tân là một trong những điển hình như thế.



Lập gia đình từ năm 2003 ở tỉnh Hải Dương khi cuộc sống vẫn còn thiếu trước hụt sau, vợ chồng chị Hương chọn xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa làm nơi định cư. Với suy nghĩ “có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm”, anh chị động viên nhau vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất. Nhận thấy tiềm năng đất đai, khí hậu ở đây khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, anh chị tìm tòi học hỏi xây dựng mô hình trồng trọt tổng hợp.

Bước đầu khởi nghiệp với bao khó khăn chồng chất khi chân ướt chân ráo đến quê hương mới, cũng chưa quen biết ai nhưng sau khi tìm hiểu thấy khí hậu, đất đai phù hợp cùng với đam mê về trồng trọt cây cối nên gia đình chị Hương quyết tâm vay mượn người thân ngoài quê và mua được mảnh vườn đầu tiên với diện tích 1,7ha. Trên nền đất ấy, vợ chồng chị chủ yếu canh tác cà phê. Năm 2005, cà phê được mùa được giá, không những trồng trên đất của mình, vợ chồng chị Hương còn nhận khoán thêm lô cà phê khác kết hợp buôn bán quầy tạp hóa. Nhờ đó, chị trả hết nợ và tập trung chăm sóc vườn cà phê.

Năm 2018, nhận thấy cà phê già cỗi, vợ chồng chị Hương tìm hiểu qua sách báo, mạng internet và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước nên đã quyết tâm chuyển đổi diện tích cà phê sang cây trồng mới. Sau nhiều năm làm ăn, tích lũy được một số vốn kha khá, anh chị tiếp tục vay thêm vốn để đầu tư mua thêm đất đai với diện tích 5ha. Gia đình chị Hương trồng 4ha cây mắc ca, còn 1ha trồng cam Canh, cam V2 xen kẽ với trồng cây bơ, vải, hồng.

Sau 4 năm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây mới vào sản xuất, trong đó có cây cam và cây mắc ca. Năm 2022, gia đình chị Hương đã thu hoạch được những lứa quả bói đầu tiên, mang lại kết quả rất khả quan.

Với cây mắc ca, gia đình chị Hương quyết định cải tạo 4 ha đất đồi để trồng 1.200 cây mắc ca. Năm 2022, vườn mắc ca bắt đầu bói quả, nhận thấy tiềm năng cây mắc ca đem lại, gia đình chị đầu tư, mua sắm máy móc với gần 100 triệu đồng. Từ đó, chị Hương hình thành một dây chuyền do vợ chồng chị làm chủ từ trồng trọt đến chế biến và cho ra thành phẩm. Sản phẩm của chị chủ yếu bán sĩ cho các đại lý trong và ngoài huyện. Và được chia ra 2 loại, loại 1 được bán với giá 230 nghìn đồng/kg; Loại 2 có giá 180 nghìn đồng/kg. Chỉ trong vòng 1 tháng, gia đình chị Hương đã bán hơn 1 tấn hạt mắc ca, sau khi trừ mọi chi phí, đem lại lợi nhuận cho gia đình chị hơn 100 triệu đồng.

Đối với vườn cam của gia đình chị Hương đã cho thu hoạch bói, quả to, mọng nước, ngọt thanh, quả khá nhiều. Bình quân mỗi gốc cam cho thu hoạch từ 15 - 20 kg trái. Sản phẩm chủ yếu được bán ngay tại vườn nhà và qua facebook, zalo, giá bán lẻ 25 nghìn đồng/kg. Biết được đây là nguồn trái cây sạch nên nhiều khách hàng trong xã, huyện đặt mua. Thông thường cam sẽ ra trái vào tháng 5 và cho thu hoạch vào tháng 12 dương lịch. Mỗi năm, cho thu hoạch 1 vụ. Sau mỗi vụ thu hoạch, mang lại thu nhập cho gia đình chị khoảng vài chục triệu đồng.

Từ mô hình trồng trọt tổng hợp kết hợp kinh doanh buôn bán, mỗi năm đem lại lợi nhuận cho gia đình chị Hương gần 200 triệu đồng. Sau nhiều năm làm lụng vất vả, chịu thương chịu khó, năm 2023, gia đình chị Hương đã đặt những viên gạch đầu tiên, chuẩn bị xây dựng một ngôi nhà khang trang, bề thế với trị giá gần 2 tỷ đồng. Chị Hương chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, các điều kiện để phát triển kinh tế ở địa phương sẵn có, chỉ cần chịu khó tìm tòi học hỏi và kiên trì bám đất, bám rẫy thì sẽ làm được. Cùng với đó, cũng phải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời gian tới, tôi mong muốn xây dựng được thương hiệu mắc ca Khe Sanh và tìm đầu ra ổn định hơn nên rất mong các cấp quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để gia đình tôi đầu tư thêm máy móc chế biến nhằm làm ra sản phẩm sạch tại quê hương mình”.

Không chỉ chăm lo làm ăn, vợ chồng chị Hương còn nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn người dân trong xã để cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua ở địa phương.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hướng Tân, chị Hồ Thị Sương cho biết: “Chị Bùi Thị Hương là hội viên phụ nữ rất năng động của thôn Trằm. Hiện tại, chị rất chủ động, mạnh dạn trong việc phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Đặc biệt, chị Hương luôn tìm tòi, nghiên cứu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới, bước đầu đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, chị còn chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, chuẩn mực nên vợ chồng con cái luôn hòa thuận, vui vẻ. Mô hình kinh tế của gia đình chị Hằng là mô hình tiêu biểu về tinh thần say mê lao động, sáng tạo để chị em vùng khó học tập và làm theo”.                                            

                                                               Kim Huệ

 


Thống kê truy cập

Đang online: 13
Hôm nay: 113
Hôm qua: 693
Tháng này: 53,495
Tháng trước: 22,342
Lượt truy cập: 1,653,448
Quảng Trị
+35
°
C
Cao:+36
Thấp:+25
Thỉnh thoảng có nắng