Từ
khi triển khai Dự án 8 cho đến nay, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã thành lập, vận
hành và duy trì được 54 mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng (ĐCTCCĐ) tại khắp
các thôn, bản của 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và 3 huyện có xã miền núi
là Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ.
Ban điều hành của 54 ĐCTCCĐ đã
tuyên truyền 121 cuộc cho 7.220 lượt người dân về những vấn đề tại địa phương
thông qua nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền về ĐCTCCĐ; phòng, chống bạo
lực gia đình (BLGĐ); phòng, chống BLGĐ trên cơ sở giới thông qua truyền thông bằng
tờ rơi, pano, áp phích; lồng ghép nội dung vào các buổi họp thôn; truyền thông
nhóm nhỏ; nói chuyện, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển
kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cũng như xóa bỏ các định kiến
và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục... Đồng thời, tích
cực theo dõi, nắm bắt đời sống tâm tư, nguyện vọng của người dân nói chung, phụ
nữ, trẻ em gái nói riêng.
Tuy phần nào phòng ngừa và
ngăn chặn được tình trạng BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới ở địa phương, đa phần
các chủ ĐCTCCĐ cho rằng: bản thân họ còn thiếu nguồn lực, kiến thức chuyên sâu
về hỗ trợ tâm lý hoặc nghiệp vụ pháp lý dù đã được tập huấn. Một số hoạt động,
vụ việc còn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng gây khó khăn trong việc
xử lý dứt điểm vấn đề. Để khắc phục những khó khăn này, cần có sự đầu tư hơn nữa
vào đào tạo, nâng cao năng lực cho các thành viên của ĐCTCCĐ, đồng thời tạo ra
một hệ thống hỗ trợ liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức, cơ quan chức năng.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
ĐCTCCĐ, đặc biệt là vùng khó khăn, ưu tiên khu vực thôn, bản miền núi xa xôi,
vùng biên giới, góp phần giảm thiểu tình trạng BLGĐ, bảo vệ quyền lợi của những
nạn nhân yếu thế trong xã hội, tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn cho phụ nữ
và trẻ em.

Thành lập và duy trì được 54 mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng
Kim Huệ