Tình
trạng lừa đảo công nghệ ngày càng diễn biến phức tạp và gây thiệt hại cho người
dân. Hiện có một số công cụ công nghệ trợ giúp việc cảnh báo, phát hiện sớm các
nguy cơ lừa đảo. Tuy nhiên, ý thức của người sử dụng vẫn là yếu tố tiên quyết.
Để giảm nguy cơ, chuyên gia Lê
Quang Minh - Phó Viện trưởng Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý
một số điểm quan trọng. Đầu tiên phải tăng cường bảo mật tài khoản. Các tài khoản
mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, tài khoản email, tài khoản ngân hàng cần
thiết phải được đặt xác thực tối thiểu hai yếu tố (2FA). Khi thiết lập chế độ
xác thực hai yếu tố, nếu đăng nhập trên một thiết bị lạ, dù kẻ gian biết mật khẩu
của người dùng thì cũng sẽ vẫn bị ứng dụng yêu cầu xác thực bằng mã OTP hoặc một
cách xác thực thứ hai, khi đó người dùng có cơ hội ngăn chặn người lạ đổi mật
khẩu hay truy cập trái phép vào tài khoản của mình.
Mật khẩu của các tài khoản đối
với ứng dụng trên điện thoại cần được cập nhật, có chế độ đổi mật khẩu định kỳ,
không để chung cùng một mật khẩu, mật khẩu phải đủ độ mạnh, để tăng tính an
toàn. Người dùng tuyệt đối không bấm vào những đường link lạ, luôn có ý thức đề
phòng trước những lời mời gọi hấp dẫn, có ý khơi gợi trí tò mò hay nhận được phần
thưởng gì đó từ một tổ chức, cá nhân không quen biết.
Đối với máy tính, máy điện thoại,
các thiết bị truy cập internet, người dùng cần lưu ý cập nhật phần mềm thường
xuyên và dùng đúng cách sẽ giảm được tới 90% nguy cơ lỗ hổng từ phía phần mềm.
Từ góc độ chuyên môn, chuyên
gia cho rằng, phần lớn các hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay
không mang nhiều yếu tố công nghệ phức tạp, mà thực chất lại mang yếu tố tâm
lý, cũng như sự tinh vi trong các kịch bản lừa đảo.
Một số kịch bản phổ biến được
thường thấy của tội phạm bao gồm: Dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu
tư giả, hứa hẹn các mức lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, giả mạo giao
hàng, lừa đảo bằng hình thức thông tin trúng thưởng, khuyến mãi lớn...
Vì vậy, người sử dụng internet
cần nâng cao nhận thức về các phương thức, hình thức lừa đảo trực tuyến trên
môi trường số, thường xuyên chia sẻ, trao đổi nhận thức của mình với những người
chung quanh để cùng nhau cảnh giác, đề phòng.
Đối với các cơ quan chức năng,
để giúp người dân phòng chống các hình thức lừa đảo trên mạng thì việc quan trọng
đầu tiên là tuyên truyền, bổ sung kiến thức kỹ năng tự bảo vệ cho người dân, phổ
biến những nguy cơ mà yếu tố công nghệ dù không cao nhưng người dân vẫn dễ bị mắc
lừa khi tham gia, tương tác trên môi trường số, đặc biệt là trên các công cụ mạng
xã hội.
Bích
Liên