Thời
tiết nắng nóng, mưa bất thường khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm, mầm bệnh
dễ phát triển. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các đơn vị
chức năng và địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn
chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh,
tổng đàn trâu 49.694 con, đàn bò 146.068 con, đàn lợn 522.269 con, đàn gia cầm
hơn 9,5 triệu con. Chăn nuôi đang trở thành một trong những hướng phát triển
kinh tế, đem lại thu nhập ổn định người dân. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các
dịch bệnh, như: Cúm gia cầm, tụ huyết trùng (THT) kết hợp với bệnh lê dạng
trùng trâu bò, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở nhiều địa phương,
gây thiệt hại khá lớn cho người chăn nuôi.
Nhận định nguy cơ dịch bệnh động
vật phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới rất lớn, trên cơ sở
văn bản chỉ đạo của cấp trên, Chi cục CN-TY cũng đã kịp thời tham mưu Sở Nông
nghiệp và Môi trường trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về phòng, chống
dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nhờ đó đã giúp các địa phương triển khai đồng bộ,
quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh
và lây lan.
Thời gian tới, để thực hiện tốt
hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn cần tăng cường sự
phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong triển khai phòng chống dịch bệnh
động vật, đặc biệt là khi dịch bệnh xảy ra.
Tiếp tục tăng cường thông tin,
tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các chủ trương, chính sách về công tác
phòng, chống dịch, tác hại của dịch bệnh trên vật nuôi; chỉ đạo, đôn đốc các địa
phương triển khai tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin đợt 2/2025 bảo
đảm tối thiểu đạt 80% trong diện tiêm.
Ngoài ra, công tác giám sát dịch
bệnh phải được tiến hành thường xuyên, khi nghi ngờ dịch bệnh truyền nhiễm nguy
hiểm phải lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng, chống
dịch bệnh theo quy định.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện
các chương trình lấy mẫu giám sát chủ động sự lưu hành của một số loại mầm bệnh
truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi tại các vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ nhằm
cảnh báo sớm sự lưu hành mầm bệnh và có phương án phòng dịch phù hợp.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên động vật nuôi
Kim Huệ