Chiến thắng Khe Sanh là kết quả của đường lối lãnh đạo
đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiêu biểu cho
trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân ta,
đặc biệt là các lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt chiến
dịch; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu
quả giữa hậu phương với tiền tuyến; đồng thời, đánh dấu sự phát triển vượt bậc
của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Vào thời điểm đầu năm
1968, có nhiều nguyên nhân khiến người Mỹ tin rằng quân giải phóng sẽ thực hiện
trận quyết chiến chiến lược ở Khe Sanh. Đầu tiên, từ sự tương đồng về yếu tố địa
hình và vai trò chiến lược giữa lòng chảo Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Tiếp đến,
Mỹ tin rằng với sự “từ bỏ” địa bàn truyền thống nông thôn của ta thì rừng núi sẽ
là bàn đạp để ta đánh vào đồng bằng, đô thị và phán đoán quân giải phóng không
đủ sức tấn công vào các thành phố, đô thị mà đó chỉ là “đòn nghi binh”; chiến
trường chính nhất định sẽ diễn ra ở Khe Sanh.
Về phía ta, sau những
thắng lợi giành được trong mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, Hội nghị Bộ Chính
trị tháng 12/1967 nhận định: chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược và chiến
thuật, lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ
thời kỳ nào, ta đang nắm quyền chủ động trên khắp chiến trường: “Diễn biến cơ bản
của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế
thua, thế bị động và khó khăn”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị chủ trương mở: “đòn
tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là
Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch…”.
Với quyết tâm “Biến
Khe Sanh thành địa ngục trần gian của quân Mỹ”, ngày 20/01/1968, ta mở Chiến dịch
Đường 9 - Khe Sanh. Sau 170 ngày đêm liên tục tiến công, vây hãm, quân ta đã loại
khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe
quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn, thu hàng ngàn súng
các loại, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh lịch sử, huyện Hướng
Hóa được giải phóng vào ngày 09/7/1968 với hơn 10.000 dân.
Chiến thắng Đường 9 -
Khe Sanh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong
cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Cùng với thắng lợi trên toàn
miền Nam, chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa đã đánh dấu sự phá sản
hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của địch. Vùng hậu cứ và địa bàn hành
lang chiến lược Bắc - Nam được mở rộng, tạo đà và tạo thế để quân và dân ta
giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971, giải
phóng vùng đồng bằng Quảng Trị năm 1972, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền
Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Sau một quá trình chuẩn
bị công phu, đồng bộ và quyết liệt, từ ngày 01/7/2025, 7 xã sau sắp xếp gồm Khe
Sanh, Lao Bảo, Tân Lập, Hướng Phùng, Hướng Lập, Lìa, A Dơi, tỉnh Quảng Trị đã
chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Những hoạt động bước
đầu tại xã Khe Sanh nói riêng và các xã mới thành lập nói chung là minh chứng
rõ nét cho khả năng thích ứng linh hoạt của bộ máy cơ sở trong điều kiện mới. Từ
đây, những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương sẽ tiếp tục được khơi dậy, tạo
động lực thúc đẩy phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng quản trị và đời sống
nhân dân. Đây chính là tiền đề quan trọng để Quảng Trị tiếp tục đổi mới mô hình
quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn
minh và bền vững.

Kỷ niệm 57 năm Ngày Giải phóng Khe Sanh
Kim Huệ