CÔNG
TÁC SƯU TẦM HIỆN VẬT CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÂN KIỀU TẠI THÔN PA NHO, KHỐI 6, THỊ
TRẤN KHE SANH
Dân tộc Vân Kiều có truyền thống
gắn bó mật thiết với thiên nhiên, sinh sống dựa vào nghề nương rẫy, săn bắt,
hái lượm, kết hợp với chăn nuôi và dệt thổ cẩm. Người Vân Kiều có nền văn hóa
phong phú, với các phong tục, tập quán độc đáo, thể hiện rõ qua kiến trúc nhà
sàn, trang phục truyền thống, âm nhạc cồng chiêng và các lễ hội.
Trong quá trình sưu tầm đã nhận
được nhiều hiện vật quý giá gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất
và tín ngưỡng của bà con. Tiêu biểu có các công cụ lao động truyền thống như
mác, nỏ, gùi; các vật dụng sinh hoạt như tẩu thuốc, bình hồ lô, chày cối giã gạo;
cùng nhiều hiện vật mang ý nghĩa tâm linh như cồng, chiêng, các trang phục,…
Mỗi hiện vật đều mang trong
mình câu chuyện lịch sử, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người
Vân Kiều qua nhiều thế hệ. Những hiện vật này không chỉ góp phần bảo tồn giá trị
văn hóa mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về cội nguồn, truyền thống của dân tộc
mình. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng các không gian trưng bày, phục vụ
nghiên cứu, giáo dục và phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Qua đó, góp phần
bảo tồn và tôn vinh bản sắc độc đáo của người Vân Kiều.
Công tác sưu tầm vẫn đang được
tiếp tục với sự đóng góp nhiệt tình của bà con địa phương. Đây không chỉ là việc
lưu giữ những hiện vật vô giá mà còn là hành động thiết thực nhằm bảo tồn bản sắc
dân tộc, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của đồng bào Vân Kiều tại thị trấn
Khe Sanh nói riêng và của đồng bào Vân Kiều - Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng
Hóa nói chung.

Trao đổi cùng nghệ nhân Hồ Văn Hồ, khối 6
Diệu
Hiền