70 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2024)


Đúng 16 giờ 30 phút ngày 09/10/1954, những lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của quân Pháp ở Thủ đô Hà Nội. Sáng 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Hà Nội trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân. Ngày 10/10/1954 đã trở thành cột mốc lịch sử, ghi nhận bao nỗ lực, cả những mất mát, hy sinh của quân và dân ta.

Sau thời gian dài kháng chiến gian khổ, ngày 20/7/1954, Hội nghị Giơnevơ kết thúc, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết, điều này đồng nghĩa với việc thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Lợi dụng khoảng thời gian cuối cùng này, quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt. Trước sức mạnh và sự đoàn kết keo sơn của quân và dân Hà Nội, cuối tháng 09/1954, Bộ Chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi thành phố đúng thời hạn. Đồng thời, qua nhiều ngày đấu tranh sôi nổi, các hiệp định về chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 02/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Sau đó, Chính Phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố. Lúc này, theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập với nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn Quân Tiên Phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.

Theo kế hoạch, sáng 08/10/1954, các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16 giờ 30 phút thì đã tiến đến đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân. Đến 6 giờ sáng ngày 09/10/1954, bộ đội ta đi theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi, quân Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản đến đó. Đúng 16 giờ 30 phút ngày 09/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Bộ đội ta tiến đến đâu, Nhân dân ta đổ ra hai bên đường, phất cờ, tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các nẻo đường, cờ đỏ sao vàng rực rỡ, phấp phới bay trên các tầng nhà.

Đến sáng ngày 10/10/1954 - ngày của kỷ niệm hào hùng, Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa rực rỡ, trong tiếng reo hò của hàng chục vạn người dân. 5 giờ sáng ngày hôm ấy, Nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành hàng trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố,... kéo tới những con đường chờ đón đoàn quân sẽ diễu qua. Đoàn xe đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu.

Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, gương mặt thành phố như bừng sáng đến đó. Đến 15 giờ, còi trên nóc Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Thủ đô dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau Lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào thủ đô nhân ngày thiêng liêng lịch sử. Mở đầu Lời kêu gọi, Người viết: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính Phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào...", tất cả mọi người đều rưng rưng xúc động. Ngày 10/10/1954 đã trở thành cột mốc lịch sử, ghi nhận bao nỗ lực, cố gắng, ghi nhận cả những mất mát, hy sinh mà quân và dân ta đã trải qua để giải phóng Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội được giải phóng là sự kiện lịch sử trọng đại, là ngày hội lớn không chỉ của các tầng lớp Nhân dân Hà Nội mà còn là niềm hạnh phúc lớn của Nhân dân cả nước; là mốc son sáng chói đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp tại Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. 70 năm qua, Nhân dân Thủ đô vững bước đi theo trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Kim Huệ


Thống kê truy cập

Đang online: 12
Hôm nay: 597
Hôm qua: 6,160
Tháng này: 19,013
Tháng trước: 34,336
Lượt truy cập: 1,897,627
Quảng Trị
+35
°
C
Cao:+36
Thấp:+25
Thỉnh thoảng có nắng