Sau khi phát hiện 4 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã có văn bản
gửi các địa phương tăng cường giám sát tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng. Ngày
26-9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Viện Pasteur TP HCM, Sở Y tế
TP HCM, Sở Y tế Đồng Nai và Sở Y tế Bình Dương về việc tăng cường phòng chống bệnh
đậu mùa khỉ.
Trong văn bản
của Bộ Y tế nêu rõ: Để kịp thời giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm
soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa số
ca mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Viện Pasteur TP HCM, Sở Y tế TP HCM, tỉnh Đồng
Nai và Bình Dương tăng cường giám sát phòng chống dịch.
Cục Y tế dự
phòng lưu ý cần chủ động phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp
tiếp xúc với ca dương tính với bệnh đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm nhằm
quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Các địa phương tổ chức điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, không để
xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm
sóc, điều trị; thực hiện công tác truyền thông bằng nhiều hình thức cho người
dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống không để người dân
hoang mang lo lắng; tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, điều trị và
phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ.
Đến nay, Việt
Nam đã ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hai bệnh nhân trước đó phát
hiện vào tháng 10-2022, đã xuất viện sau 3 tuần điều trị, theo dõi. Hai bệnh
nhân mới nhất được phát hiện ở Đồng Nai và Bình Dương. Để phòng bệnh, Bộ Y tế
cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc
dung dịch sát khuẩn. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên
nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở
y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời, đồng thời cần chủ động tự cách ly,
tránh quan hệ tình dục. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ
cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống). Khi quay trở về Việt
Nam chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Liên quan đến
các ca mắc đậu mùa khỉ mới nhất vừa được phát hiện, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn
cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho rằng với những ca bệnh
này, cần tiếp tục điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh có tiếp xúc với người đi từ
vùng dịch về hay không để từ đó đánh giá nguy cơ. Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến
đó để không mất kiểm soát dịch nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực vì lúc này
có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Việc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong khoanh
vùng, cách ly, tránh lây lan.
Kim Huệ