Kỹ năng cơ bản về viết tin cho báo chí


Với mục đích giúp cho các bạn trẻ chưa có kỹ năng cơ bản về viết tin cho báo chí có thể tiếp cận và hiểu được căn bản cách viết tin theo lối hiện đại. Xin mạn phép chia sẻ cho các bạn Bài viết hướng dẫn viết tin của TS. Đặng Thị Thu Hương –Giảng viên Trường ĐH KHXH và NV Hà Nội: “Tin và kỹ năng viết Tin báo chí hiện đại”. Hy vọng, sau khi đọc những kỹ năng căn bản này, sẽ giúp ích được cho các bạn khi viết và đưa tin lên website của chúng ta.


I. Quan niệm về tin:
           Hàng ngày, hàng giờ, thậm chí hàng giây, trên thế giới này đều diễn ra một điều gì đó quan trọng, hay thú vị trong chính trị, kinh tế, trong khoa học và kỹ thuật, trong văn hóa, hay ở trọng những phạm vi khác đầy bất ngờ của cuộc sống. Công việc của nhà báo là chuyển tải thông tin cho công chúng của mình càng chính xác, đầy đủ, súc tích và dễ hiểu càng tốt, và luôn luôn có trách nhiệm. Toàn bộ công việc thu thập, lựa chọn và trình bày tin trong bất cứ phương tiện truyền thông nào cũng được thực hiện theo phương châm này.
Trong tiếng Anh, tin được gọi là news, người Trung Quốc gọi là tân văn. Tất
cả các từ trên đều bắt nguồn từ nghĩa đen là ‘mới’.
        ‘Tin tức’ có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là những thông điệp (message) về các sự kiện, vấn đề, con người trong xã họi, được phản ánh trong các tác phẩm báo chí nói chung. Nghĩa thứ hai, chỉ một thể loại báo chí độc lập. Khái niệm tin chúng ta xem xét ở đây với tư cách là một thể loại báo chí, gắn liền với sự ra đời và phát triển của báo chí.
Mặc dù tin là thể loại ra đời sớm, giữ vai trò xung kích, mũi nhọn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một quan niệm chung thống nhất về thể loại này. Trong các cuốn bách khoa toàn thư, các cuốn từ điển, sách giáo khoa về báo chí, người ta đưa ra những cách diễn đạt hoàn toàn không giống nhau về cả phương diện ngôn ngữ học, cả về phương diện giảng giải của chính các nhà báo.
    Có người cho rằng:
- Tin là bất cứ thứ gì hấp dẫn hay tác động đến công chúng.
- Tin là bất cứ thứ gì hợp thời và thu hút một lượng người nào đó. Những tin hay nhất là tin có sức hấp dẫn nhất với nhiều người nhất.
- Tin là những gì ai đó ở đâu muốn ỉm đi. Tất cả những thứ khác chỉ là quảng cáo.
- Tin là cái trước đây người ta chưa biết. Là những kiến thức mới mẻ hoặc là tin sốt dẻo.
- Tin là bất cứ cái gì kịp thời, thú vị, đáng chú ý đối với người đọc, liên quan
đến cá nhân họ, hay quan hệ của họ đối với xã hội.
- Tin là kết quả cuối cùng của bản năng nhà báo.
- Tin là cái của ngày hôm nay khác ngày hôm qua, ngày mai khác ngày hôm nay về bất cứ cái gì, bất kỳ nơi đâu trong cuộc sống này.
- Tin là cái mới, cái thật từng giờ, từng phút diễn ra dưới dạng mất đi hay nảy
sinh trong sự vận động vô cùng.
Một cuốn sách dạy về nghề báo ở phương Tây còn cho rằng: ‘Khi con chó cắn người, đó không phải là tin. Đó chỉ là sự việc. Khi người cắn chó, đó là tin’.
Người Anh có câu ngạn ngữ: ‘No news is good news’.
Sách giáo khoa về báo chí của Ấn Độ cho rằng: ‘Tin tức –đó là văn xuôi của
cuộc sống hàng ngày. Chúng có mùi của bụi bặm đường phố và mùi mồ hôi
của những người lao động. Đây là sản phẩm của hoạt động con người nên chúng phải được viết bằng thứ ngôn ngữ tràn đầy chất sống và sự cuốn hút, dẫu cho đôi lúc ngôn ngữ ấy không được đẹp đẽ lắm. Đây thường không phải là văn học mà là thông báo phản ánh cuộc đời thực được viết một cách nhuần nhuyễn’.
Giáo trình nghiệp vụ báo chí của trường Tuyên huấn TƯ định nghĩa: ‘Tin tức trên báo chí là một thể tài phản ánh những sự kiện, sự việc, tình hình có thật, mới xảy ra – đang xảy ra – mới phát hiện tháy, có ý nghĩa quan trọng hoặc có liên quan đến xã hội, theo một đường lối, và cải tạo thực tiễn, bằng hình thức ngắn gọn nhất, cô đọng nhất, nhanh chóng nhất, kịp thời nhất, được ghi lại bằng chữ, tiếng nói hoặc hình ảnh…
Tin là một trong những thể loại thuộc nhóm thông tấn báo chí, trong đó thông báo phản ánh, bình luận có mức độ một cách ngắn gọn, chính xác, và nhanh chóng nhất về sự kiện, vấn đề, con người, có ý nghĩa chính trị - xã hội nhất định.
Mặc dù có nhiều ý kiến, định nghĩa khác nhau về tin, nhưng đều toát lên một
số yếu tố tương đối thống nhất là:
-Tin là cái mới, ngắn gọn, súc tích, nhanh chóng, có ý nghĩa chính trị xã hội nhất định. Các quan niệm về tin cũng như các thể loại báo chí khác chắn chắn sẽ còn tiếp tục bổ sung, đổi mới và hoàn chỉnh thêm để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng, sôi động của báo chí hiện nay.
          II. Tiêu chí viết tin đúng:
   2.1. Viết tin đúng
Bất kỳ tác phẩm báo chí nào, dù ngắn hay dài, đều có mục đích trả lời đúng, kịp thời những câu hỏi có liên quan đến sự kiện, sự việc, vấn đề, con người, tình huống, hoàn cảnh mà người viết muốn truyền đạt và người tiếp nhận (công chúng) muốn biết.
Đó là các câu hỏi 5W+1H:
- What? - Chuyện gì, cái gì xảy ra thế?
- Who? - Ai liên quan?
- Where? - Xảy ra ở đâu?
- When? - Xảy ra khi nào?
- Why? - Tại sao xảy ra?
- How? - Xảy ra như thế nào?
Đó là những câu hỏi cơ bản đối với tất cả các tác phẩm báo chí nói chung. Đối với tin – một thể loại báo chí ngắn gọn, cô đúc, súc tích, không rập khuôn, cứng nhắc, mà phải linh hoạt, chủ động tùy thuộc vào mức độ giá trị sự kiện hay ý đồ người viết, tòa soạn để trả lời các câu hỏi trên một cách hợp lý.
Tin có nhiệm vụ thông báo, phản ánh sự kiện mới, chưa đi sâu phân tích, đánh giá giải quyết  vấn đề. Cũng có thể bình luận nhẹ nhàng về sự kiện, con người khi cần thiết.
      2.2. Yêu cầu đối với tin tức báo chí:
- Tính thời sự
- Tính chính xác: Tiêu chuẩn đầu tiên đối với một nền báo chí chất lượng là sự chính xác trong việc đưa tin. Có vẻ rất dễ khi nói điều này, nhưng ngay cả với một nhà báo kinh nghiệm, để đảm bảo chính xác, họ thường xuyên phải thận trọng và kiểm chứng tất cả các yếu tố từ tên nhân vật trong phóng sự, chức danh, đến việc kiểm tra thông tin, con số. Kiểm chứng thông tin, kiểm tra lại nguồn tin là thao tác cần thiết để đảm bảo những gì phóng viên thu nhận được là chính xác.
- Tính cụ thể
- Tính trực tiếp
- Tính công bằng – và cân bằng. Mỗi câu chuyện đều có hai mặt, và đôi khi nhiều hơn hai. Nhiệm vụ của nhà báo là phải đưa ra nhiều quan niệm khác nhau. Nhà báo phải luôn luôn cố gắng để càng khách quan, càng tốt. Nghĩa là nhà báo không đưa ra ý kiến cá nhân trong bản tin, hoặc là cố gắng đưa tin theo chiều hướng thuyết phục độc giả. Nhà báo phải phải là ‘tai mắt’ của công chúng, mang lại những thông tin cần thiết để họ đưa ra các quyết định đúng đắn.
- Tính rõ ràng: Ngôn ngữ tin tức phải đơn giản, rõ ràng, nhà báo viết để thông tin, chứ không phải viết để gây ấn tượng. Nguyên tắc: KISS: Keep it short and simple.
- Tính chân thực: Phóng viên phải đem lại cho công chúng cảm giác như chính họ đang có mặt tại hiện trường xảy ra sự kiện. Những câu trích dẫn là yếu tố giúp bản tin có tính xác thực và hấp dẫn hơn đối với công chúng.
- Tính trọn vẹn của vấn đề: Nhà báo cần đặt mình vào vị thế của một độc giả thông thường. Với tư cách là người cung cấp thông tin, nhà báo luôn phải nghĩ công chúng muốn và cần biết những gì, và có thể đặt ra các câu hỏi gì. Có nghĩa là, nhà báo thay mình làm độc giả tò mò, và đặt thêm câu hỏi cho những thông tin mà nguồn tin cung cấp.
         III. Các cấu trúc viết tin
Các cấu trúc hay còn gọi là kỹ thuật viết tin, nhằm góp phần viết tin hay và hấp dẫn. Tin cũng như các thể loại báo chí khác là khoa học và nghệ thuật viết về sự thật. Trong thực tế, cách viết tin rất đa dạng, phong phú, và linh hoạt, không có khuôn mẫu chung, lại càng không áp đặt cho một người viết, hay một cơ quan báo chí. Do vậy, các cấu trúc dưới đây chỉ có ý nghĩa tham khảo, còn việc vận dụng và sáng tạo là tùy thuộc vào kỹ năng tác nghiệp của từng nhà báo.
      3.1. Cấu trúc hình tam giác thường
Có người gọi là cấu trúc hình nón, hình tháp xuôi, hình cây thông…
Theo cấu trúc này, tin được viết như sau:
Mào đầu tin có thể sử dụng một từ, một hình ảnh, một câu gây ấn tượng, gợi tính tò mò cho người đọc. Sau đó tăng dần mức độ quan trọng, hấp dẫn ở thân tin, và sức nặng nhất, quan trọng nhất, hay nhất của tin ở phần kết luận.
Đây là cách viết theo lối câu nhử, dẫn dắt, tăng dần ấn tượng của tin. Điều cần chú ý là xử lý khéo léo mức độ hấp dẫn của phần mào đầu, phần kết luận theo hướng phần kết luận phải được ưu tiên nhiều hơn.
Mô hình cấu trúc viết tin hình tam giác thường được thể hiện như sau:
Mô hình cấu trúc tam giác thường
Mào đầu (Chi tiết gây ấn tượng) Các chi tiết quan trọng hơn Chi tiết quan trọng nhất. Ưu điểm của cấu trúc này là dễ viết. Nhưng hạn chế là nhàm chán, buồn tẻ, dây cà ra dây muống, tốn thời gian để đọc và nắm bắt thông tin.
3.2. Cấu trúc ‘hình tam giác ngược’
Hay còn gọi là cấu trúc hình tháp ngược. Về mặt lý thuyết, mô hình này thực chất là sự đảo ngược của mô hình thứ nhất, được biểu hiện dưới dạng một hình tháp ngược.
Theo cấu trúc này, các chi tiết, dữ kiện, số liệu quan trọng nhất, có giá trị nhất tức là hạt nhân của tin được đưa lên đầu tin, sau đó, giảm dần giá trị của sự kiện ở phần thân tin và cuối tin thường là yếu tố phụ hoặc giải thích.
Đây là cấu trúc hiện đại, được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Cấu trúc này được sử dụng nhiều trong báo chí hiện đại vì tính hiệu quả và hấp dẫn của nó:
- Viết ngay điều quan trọng nhất, và hấp dẫn nhất. Thông tin ở mũi tầu chứ không phải nơi buồng lái.
- Viết tin đơn giản, cụ thể, nêu bật được sự việc, sự kiện.
- Không viết quá ba dòng, nhưng phải trả lời được các câu hỏi: What? Who?
When? Where?
Mô hình của cấu trúc này như sau:
Cấu trúc tam giác ngược
Đầu tin
Thân tin
Kết tin
3.3. Cấu trúc ‘hình chữ nhật’
Đây là cấu trúc mà các chi tiết của tin được sắp xếp ngang hàng nhau. Mỗi chi tiết có một lượng thông tin, không có chi tiết nào nổi trội, hoặc không có giá trị thông tin. Các chi tiết tương đối bình đẳng, độc lập trong tin để làm nổi bật sự kiện. Ngôn ngữ thể hiện trong cấu trúc này thường là ngôn ngữ kể, trần thuật nên có thể triển khai sự kiện có chiều sâu, theo ý đồ của người viết. Tuy nhiên, cấu trúc này cũng gây cảm giác đơn điệu, đơn giản, do tính chất của ngôn ngữ thể hiện.
Mô hình của cấu trúc này được thể hiện như sau:
Chi tiết 1
Chi tiết 2
Chi tiết 3
Chi tiết 4
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu, nhà báo còn đưa ra kết cấu nhân-quả, kết cấu trình tự thời gian, hình đồng hồ cát…
           IV. Các dạng tin
Dạng tin là một tin báo chí đúng, được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo nên sự phong phú, đa dạng khi chuyển tải nội dung sự kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sau đây là một số dạng phổ biến trên báo chí :
           4.1. Tin vắn (tin ngắn)
Là dạng tin thông báo, phản ánh một cách ngắn gọn, vắn tắt nhất về sự kiện, sự việc, nhân vật xảy ra hàng ngày trong đời sống xã hội. Dung lượng tin vắn ngắn nhất so với các thể loại báo chí, cũng như so với các dạng tin khác (trong vòng 60-100 chữ). Do dung lượng rất ngắn, nên tin vắn thường không có lời bình, có thể có, hoặc không có tít tin.
Tin vắn thường được bố trí trong một chuyên mục, dưới tiêu đề như ‘Tin vắn thế giới’, ‘Tin vắn trong nước’, ‘Tin giờ chót’, ‘Tin sau 0 giờ’, Tin đọc nhanh, Thời sự quốc tế…
Tin vắn thường trả lời các câu hỏi: What? Who? When?Where?
Nếu tin vắn đứng độc lập thì phải có tít. Nếu tin vắn được đặt vào một chuyên mục thì dùng ký hiệu, mầu nền, in đậm, in nghiêng câu đầu… hoặc có tít kết hợp các yếu tố trên để tách biệt các sự kiện khác nhau.
          4.2. Tin bình (tin sâu)
Tin bình là dạng tin phản ánh sự kiện thời sự quan trọng, chưa đến mức bình luận, nhưng người ta đưa tin cần thể hiện thái độ, quan điểm để định hướng dư luận xã hội.
Tuy là tin bình, nhưng yếu tố tin là chính. Quan điểm, thái độ của nhà báo hay cơ quan báo chí thể hiện ở mức độ nhất định.Người viết cần đặc biệt thận trọng, nhạy cảm khi thể hiện thái độ, quan điểm đối với các vấn đề trong nước, quốc tế hay nhân vật.
          4.3. Tin dự báo:
Tin dự báo là dạng tin dự kiến, dự đoán các sự kiện tiêu biểu sẽ xảy ra trong tương lai. Đây là loại tin được sử dụng khá phổ biến để công chúng nắm bắt được thông tin, chủ động đón đọc, nghe, xem hay truy cập những sự kiện, vấn đề mà mình quan tâm.
VD: ‘Sự kiện tuần tới’, ‘Sự kiện tuần này’ (vào thứ hai hàng tuần)…
         4.4. Tin tổng hợp
Tin tổng hợp là dạng tin tóm tắt, tái hiện, hệ thống lại những sự kiện quan trọng, tiêu biểu về các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đã và đang nảy sinh trong thời gian và không gian nhất định.
Dạng tin này được sử dụng rộng rãi bởi nó đáp ứng nhu cầu khách quan của công chúng về thông tin.
Người làm tin tổng hợp phải có năng lực lựa chọn, phân tích tổng hợp và bố cục làm cho sự kiện thực sự có ý nghĩa và lôi cuốn người đọc.
         4.5. Chùm tin:
          Chùm tin là dạng tin gồm một số tin điểm lại, hệ thống lại những sự kiện tiêu biểu có chung chủ đề thống nhất trong một thời gian, không gian nhất định.
Trên các loại hình báo chí thường có các mục thể hiện chum tin như: ‘An nình–trật tự’, ‘Thể thao quốc tế’, ‘Văn hóa – nghệ thuật’, ‘Khoa học- Kỹ thuật’, ‘Chào mừng 1000 năm Thăng Long –Hà Nội’…
          Đối với chùm tin và tin tổng hợp, cần lưu ý hai điểm sau:
Khi viết và nhận diện chùm tin trên báo in: có thể ở báo này là chùm tin, nhưng ở báo khác lại là tin tổng hợp. Trong trường hợp này, để tin tổng hợp thành chùm tin phải viết cụ thể về một loại hình, hay lĩnh vực nào đó.
VD: trên báo Nhân dân, Lao động, Tiền phong, Thanh niên,… là những tờ báo chính trị - xã hội, nếu mục ‘Tin thể thao’ là chùm tin. Nhưng trên báo ‘Thể thao Việt Nam’, thì đó là tin tổng hợp, vì trong thể thao có nhiều bộ môn khác nhau như bóng đá, bóng chuyền, cở vua, bơi lội…. DO vậy, để có chùm tin thể thao trên báo ‘Thể thao Việt Nam’, thì phải viết về một loại hình thể thao cụ thể, như ‘Bóng đá thể giới’ chẳng hạn.
Chùm tin và tin tổng hợp rất giống nhau về hình thức thiết kế dạng tin, tuy nhiên, khác nhau ở chỗ:Tin tổng hợp phản ánh các lĩnh vực của đời sống xã hội, còn chùm tin thì phản ánh các sự kiện có chung một chủ đề. Nếu không chú ý, khi làm các dạng tin sẽ có thể bị nhầm lẫn.
         4.6. Tin tường thuật:
Tin tường thuật là dạng tin phản ánh những sự kiện quan trọng, tiêu biểu, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Tin tường thuật giống thể loại bài tường thuật ở chỗ cả hai đều tường thuật, kể lại, thuật lại trật tự diễn biến của sự kiện có thật.
Dạng tin tường thuật khác với thể loại tường thuật ở dung lượng và hình thức thể hiện. Tin tường thuật có dung lượng ngắn, chủ yếu thuật lại, kể lại những nét tiêu biểu, khái quát về sự kiện. Còn tường thuật thì dung lượng lớn, có thể trình bày trật tự diễn biến của sự kiện một cách tỉ mỉ, chi tiết từ khi mở đầu đến khi kết thúc sự kiện. Trong tường thuật, tác giả còn thể hiện ‘cái tôi’ rõ nét ở cảm hứng, cảm xúc, bình luận và các thông tin phụ trợ khác làm cho bài tường thuật hay hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn.
         4.7. Tin ảnh:
Tin ảnh là dạng tin có kèm theo ảnh với tư cách là yếu tố cấu thành tin để minh họa, tăng độ tin cậy, chân thực, và thuyết phục cho tin. Tin giữ vai trò chủ đạo, ảnh có tính minh họa. Tin và ảnh phải gắn bó, liên quan đến nhau, tôn giá trị cho nhau. Tránh tình trạng tin có nội dung này, nhưng ảnh minh họa lại mang ý nghĩa khác.
       4.8 Ảnh tin:
Ảnh tin là ảnh có kèm theo chú thích như một cái tin. Ảnh giữ vai trò chủ đạo, phần chữ (chú thích) có tính phụ họa. Ảnh và chú thích phải liên quan với nhau, tôn giá trị cho cả hai. Ảnh báo chí có sức mạnh riêng, có lúc còn gây ấn tượng và có giá trị nhiều hơn trang viết. Đã có những bức ảnh nổi tiếng như ‘O du kích nhỏ’, ‘Nụ cười chiến thắng’, ‘Đánh chiếm dinh Độc lập’…
         4.9. Tin công báo
Tin công báo phản ánh, thông báo những hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội,… công bố nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Đặc điểm của tin công báo:
- Tin không phải do tòa soạn hay phóng viên báo chí thực hiện mà do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
- Do văn bản thông tin mang tính chính thống, chuẩn mực, nên tòa soạn không sửa chữa, bổ sung, hay biên tập lại văn bản đã được cung cấp.
- Các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn một số cơ quan báo chí lớn, hoặc nhiều cơ quan báo chí cùng đăng, phát, tùy theo mức độ và yêu cầu tuyên truyền.
- Các cơ quan báo chí chấp hành đăng, phát các thông tin đó ở vị trí, thời gian quan trọng và trang trọng. Cần phân biệt tin công báo, và thông cáo báo chí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội.
       V. Thủ pháp viết tít tin báo chí
        5.1. Chức năng của tít:
Theo ông Fabienne Gerault (Đại học báo chí Lille, Pháp), chức năng của tít tin/bài là:
- Thu hút sự chú ý vào trang giấy
- Cung cấp thông tin chính trong một cái liếc mắt
- Giúp độc giả lựa chọn bài để đọc
- Khiến độc giả muốn đọc
- Tổ chức trang
- Sắp xếp thông tin
          5.2. Tiêu chí đánh giá tít hay:
- Sáng sủa, dễ hiểu: dùng từ đơn giản, cụ thể, không viết tắt
- Ngắn, mạnh, trực tiếp: đi thẳng vào vấn đề, dùng từ mạnh, không dùng tính từ, trạng từ.
- Chính xác, trung thực: không nói quá cho sự kiện
- Thích hợp, độc đáo: tít riêng cho từng tin/bài. Không đặt tít chung chung
- Phù hợp với thể loại;
                                                                                          Khánh Hưng ( sưu tầm)


 


Thống kê truy cập

Đang online: 5
Hôm nay: 619
Hôm qua: 907
Tháng này: 19,997
Tháng trước: 58,141
Lượt truy cập: 1,988,602
Quảng Trị
+35
°
C
Cao:+36
Thấp:+25
Thỉnh thoảng có nắng