Những
năm trở lại đây, tại huyện miền núi Hướng Hóa, nhiều đoàn viên, thanh niên sau
khi xuất ngũ, trở về địa phương đã vượt khó làm kinh tế bằng khát vọng vươn
lên, dám nghĩ dám làm để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi.
Một trong những thanh niên đó là anh Hồ Văn Huế, thanh niên người dân tộc Vân
Kiều ở thôn Ra Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa.

Qua
lời giới thiệu của anh Hồ A Cửi, Bí thư đoàn xã Xy, huyện Hướng Hóa, chúng tôi
có dịp tới mô hình làm kinh tế của thanh niên Hồ Văn Huế, sinh năm 1999 ở thôn Ra
Man, xã Xy, là một trong những đoàn viên thanh niên tiêu biểu vượt khó phát triển
kinh tế. Anh Huế sinh ra trong gia đình người dân tộc ít người tại xã biên
giới. Đời sống gia đình chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế khó
khăn. Năm 2018, Huế viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Năm 2020,
Huế xuất sắc hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương. Trở về quê với
hành trang là nguồn kinh phí được trợ cấp trong quân đội và tinh thần cứng cáp,
chín chắn sau khi được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, chàng thanh niên trẻ
người Vân Kiều nung nấu ý chí, quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê
hương mình. Kể về hành trình khởi nghiệp sau khi xuất ngũ, Hồ Văn Huế chia sẻ:
“Gia đình tôi sở hữu đất đai khá nhiều nhưng mà cuộc sống vẫn luôn khó khăn.
Ngay khi ở trong môi trường quân đội, tôi luôn cố gắng vừa rèn luyện vừa học hỏi
cách làm kinh tế khi có điều kiện. Một trong những nguyên nhân khiến ba mẹ làm
việc siêng năng mà không đem lại hiệu quả kinh tế cao là do đất đai, khí hậu ở ở
quê tôi khắc nghiệt. Mưa thì dầm dề mà nắng thì kéo dài, khô cằn, việc phát triển
kinh tế theo kiểu truyền thống rất khó khăn. Sau khi rời quân ngũ, với số tiền
tích cóp được cùng khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách, tôi bàn với ba mẹ
cải tạo, quy hoạch lại đất đai để làm kinh tế từ chăn nuôi và trồng rừng. Để việc
làm kinh tế thuận lợi, tôi thường xuyên tham khảo những tài liệu trên mạng xã hội,
phương tiện thông tin đại chúng cũng như học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương để
tích lũy kinh nghiệm”.
Gia
đình Huế sở hữu diện tích đất trên 2ha đất. Trước đây, ngoài 01 hecta đất được
ba mẹ canh tác để trồng sắn, lúa rẫy, diện tích còn lại để hoang. Với kiến thức
học hỏi được, sau khi về quê, Huế bắt tay quy hoạch lại diện tích đất của gia
đình để trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Với diện tích trồng sắn lâu năm và diện
tích đất bỏ hoang, Huế trồng rừng tràm và cao su. Sau gần 2 năm, trên 2hecta đất
của gia đình, Huế đã cho phủ xanh những loại cây hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh
tế cao với hơn 5.000 cây tràm, hơn 100 gốc cao su.
Cùng
với trồng rừng, tận dụng diện tích đất bìa rừng với đồng cỏ rộng, Huế đầu tư
nuôi dê. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, Huế nuôi theo tập quán cũ là thả rông
cho dê tự đi tìm kiếm thức ăn nên dê chậm lớn, dễ bị bệnh. Một thời gian, chàng
thanh niên trẻ tìm đến các hộ nuôi dê thành công để học hỏi kinh nghiệm, nhất
là tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi dê thịt và dê sinh sản. Với
những kiến thức tích lũy được, anh quyết định không nuôi dê theo tập quán cũ mà
làm chuồng nuôi đúng kỹ thuật. Nhờ được chăm sóc tốt mà đàn dê của anh dần hồi
phục và phát triển khá nhanh. Từ vài con, đến nay, Huế có đàn dê 27 con cả dê
sinh sản và dê thịt. Huế nuôi dê theo hình thức xoay vòng, bình quân mỗi năm,
xuất 10 đến 12 con, thu được 50 – 60 triệu đồng. Chàng thanh niên hào hứng chia
sẻ: “ Sau hơn 2 năm khởi nghiệp sau khi xuất ngũ, trên diện tích đất có được của
gia đình, cùng với số vốn tích cóp và vay vốn ưu đãi, tôi đã mạnh dạn xây dựng
mô hình kinh tế chủ đạo là trồng rừng và chăn nuôi dê, cùng với đó là trồng sắn.
Đến nay mô hình cơ bản đã đi vào quy cũ. Riêng từ trồng sắn và nuôi dê, gia
đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Còn diện tích sắn và cao su thì đang lên tốt
rất triển vọng. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học hỏi thêm để nhân rộng,
phát triển mô hình một cách hiệu quả và bền vững hơn. Tôi nghĩ nếu có quyết tâm
và luôn cố gắng vượt khó thì sẽ thành công.”
Đánh
giá về gương làm kinh tế của Hồ Văn Huế, anh Hồ A Cửi, Bí thư đoàn xã Xy nói rằng:
“Với những suy nghĩ chính chắn cùng những nổ lực vượt khó, tinh thần mạnh dạn đã thôi thúc Hồ Văn Huế học hỏi, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.
Trong vùng đồng bào dân tộc ít người tại xã Xy, rất ít thanh niên siêng năng,
chịu khó và và mạnh dạn làm kinh tế như
Huế. Chính vì vậy, mô hình kinh tế mà Huế đang gây dựng được xã đoàn chọn làm
mô hình điểm, và Huế được xem là tấm gương sáng trong khởi nghiệp để cho nhiều thanh niên khác tại địa phương học
tập, noi theo góp phần vào sự phát triển kinh tế của quê hương.”
Không
những làm kinh tế giỏi, thanh niên Hồ Văn Huế còn là một đoàn viên thanh niên
năng động, nhiệt huyết trong phong trào đoàn, gương mẫu trong thực hiện các chủ
trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, anh sẵn sàng chia
sẽ kinh nghiệm, giúp đỡ thanh niên tại địa phương trong phát triển kinh tế cùng
như trong hoạt động phong trào, xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu trên lĩnh
vực thanh niên phát triển kinh tế của địa phương.
Bích Liên