Hướng
Hóa là huyện miền núi, nằm về phía Tây của tình Quảng Trị, có gần 50% dân số là
người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó
khăn. Những năm qua, huyện tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng
chính sách xã hội (CSXH), trở thành một trong những trụ cột quan trọng, “cánh
tay nối dài” của hệ thống chính trị trong việc quan tâm hỗ trợ, đồng hành với
người nghèo và đối tượng chính sách, tạo chuyển biến tích cực góp phần xóa đói
giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Tăng cường sự lãnh đạo của đảng
với tín dụng chính sách.
Những ngày cuối tháng 9 năm
2024, chúng tôi cùng lãnh đạo huyện Hướng Hóa, lãnh đạo Phòng Giao dịch, Ngân
hàng chính sách xã hội huyện Hướng Hóa đi thăm thực tế một số mô hình làm kinh
tế hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Những năm trở lại đây, do ảnh hưởng
của thiên tai, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, song có thể nhận
thấy đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa không những được
nâng lên, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng với những cách làm hay,
sáng tạo. Đóng góp vào hiệu quả những mô hình đó, phải kể đến nguồn vốn vay ưu
đãi từ ngân hàng chính sách xã hội huyện. Ông Nguyễn Tăng, Bí thư Huyện ủy Hướng
Hóa nói rằng: “Hướng Hóa là huyện miền núi, có gần 50% dân số là người đồng bào
dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Thời gian
qua, huyện Hướng Hóa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính
sách xã hội, trở thành một trong những trụ cột quan trọng, “cánh tay nối dài” của
hệ thống chính trị trong việc quan tâm hỗ trợ, đồng hành với người nghèo và đối
tượng chính sách, tạo chuyển biến tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa
bàn. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách, với sự vào cuộc của cả hệ thống
chính trị, quy mô nguồn vốn tín dụng chính sách
tại Hướng Hóa ngày càng được mở rộng; chất lượng hiệu quả của nguồn vốn
tín dụng chính sách xã hội được trên địa bàn ngày càng nâng cao, khẳng định
minh chứng đây là chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng
của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước, góp phần
đạt mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội;
an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện.”
Để hỗ trợ vùng đồng bào
dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xã hội, những năm qua, huyện Hướng Hóa đã
nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước dành cho miền
núi như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững,
trọng tâm là Chỉ thị số 40 - CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “về tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Từ một huyện miền núi
với điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, đến nay đã có những bước chuyền
mình đáng kể. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm qua từng năm. Đến nay, 100% xã có
đường ô tô đến trung tâm xã, 100% thôn, bản, tổ dân phố có điện lưới quốc gia,
100% xã, thị trấn có đủ 3 cấp học từ mầm non đến THCS và có Trạm Y tế đạt chuẩn
Quốc gia. Trong vòng 4 năm (từ năm 2021 - 2024), tỷ lệ hộ nghèo giảm 14,49%,
trung bình mỗi năm giảm 3,62%/năm. Những thành quả quan trọng đó, có sự đóng
góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Nói về công tác lãnh chỉ đạo để
thực hiện hiệu quả nguồn tín dụng chính sách tại địa phương trong thời gian tới,
ông Nguyễn Tăng, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa cho rằng: “Để tiếp tục phát huy hiệu
quả nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quán triệt
sâu sắc hơn về Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách
xã hội. Cùng với đó, huyện sẽ tập trung
hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua hoạt động của Ngân hàng chính sách, làm
sao tăng thêm nguồn vốn để giúp người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Tiếp
tục chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức được ủy thác làm tốt được
chức năng, nhiệm vụ của mình, làm sao để đoàn viên, hội viên tiếp cận được nguồn
vốn, góp phần quan trọng, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.”
Tín dụng chính sách - Bệ đỡ của
người dân miền núi Hướng Hóa
Là địa bàn miền núi, có lợi thế
về đất đai và khí hậu, trong những năm qua, người dân tại huyện miền núi Hướng
Hóa đã có nhiều cách làm sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế với nhiều mô
hình hiệu quả. Thực hiện các mô hình kinh tế, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa
phương, nông dân huyện Hướng Hóa còn được vay nguồn vốn tín dụng với lãi suất
ưu đãi. Đây được xem là bệ đỡ giúp nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng
anh Võ Chí Công từ Quảng Bình đến lập nghiệp tại xã Hướng Phùng. Cuộc sống gia
đình khó khăn do không có vốn để làm ăn, phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay
ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện, gia đình anh được tạo điều
kiện vay 30 triệu đồng để trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Sau khi trả hết số tiền
vay ban đầu, mới đây, vợ chồng anh Công lại có nhu cầu được vay vốn để mở rộng
thêm quy mô sản xuất. Nhận thấy mô hình kinh tế của gia đình anh phát huy hiệu
quả, Ngân hàng CSXH Huyện tiếp tục giải ngân cho vay với số tiền 70 triệu đồng
để gia đình mở rộng quy mô làm ăn, phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn ưu đãi,
cùng với tinh thần siêng năng, mạnh dạn, đến nay gia đình anh Công đã gây dựng
được cơ ngơi vững chải với gần 4ha cà phê chè, 130 gốc chanh leo, nuôi bò, đào
ao thả cá, thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng. Anh Công chia sẻ: “Gia đình
tôi khi lên lập nghiệp tại đây thì rất khó khăn, thiếu nguồn vốn nên việc đầu
tư làm kinh tế chỉ có quy mô nhỏ. Nhờ có nguồn vốn của Ngân hàng chính sách cho
vay với lãi suất thấp nên gia đình tôi mở rộng phát triển thêm diện tích cây cà
phê, trồng chanh dây, kinh tế gia đình đã ổn định. Tới đây chúng tôi cũng có ý
định mở rộng thêm quy mô các mô hình, đặc
biệt là đầu từ mở rộng diện tích chanh dây, nuôi thêm bò… Tôi mong tiếp
tục được Ngân hàng chính sách cho tiếp cận nguồn vay lãi suất thấp để phát triển
thêm.”
Trước đây, gia đình ông Hồ A Cách ở thôn 5, xã Thuận là hộ nghèo.
Năm 2017, gia đình ông được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu
đồng theo diện hộ nghèo. Có nguồn vốn ưu đãi, ông mua trâu, bò nuôi để phát triển
kinh tế. Từ 1, 2 con ban đầu, đàn trâu bò của gia đình ông ngày càng phát triển
lên số lượng nhiều hơn. Năm 2020, ông trả hết nợ ngân hàng. Năm 2024, trước nhu
cầu mở rộng mô hình kinh tế, ông Cách được Phòng Giao dịch, NHCS xã hội huyện
Hướng Hóa cho vay ưu đãi 50 triệu đồng Hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó
khăn. Với gia đình ông Cách, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách
chính là bệ đỡ. Từ một hộ nghèo khó, đến nay ông đã có nhà cửa khang trang, có
mô hình kinh tế bền vững với 6 con bò, 7 con trâu, đàn dê, gà, ao cá, trồng chuối,
sắn, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng.
Tại huyện Hướng Hóa, qua gần
10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác tín dụng chính sách, hoạt
động tín dụng chính sách xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tổng dư nợ
cho vay các chương trình trên là 765 tỷ đồng. Từ nguồn vốn các chương trình tín
dựng ưu đãi trong 10 năm qua đã giúp cho gần 36.000 lượt đối tượng được tiếp cận
nguồn vốn vay ưu đãi; hơn 4.200 hộ thoát nghèo, tạo việc làm và hỗ trợ việc làm
cho trên 1.900 lao động; trên 1.060 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn trang
trải chi phí học tập; trên 12.400 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn
tại vùng nông thôn được xây dựng, góp phần cải tạo môi trường sống; xây dựng
737 căn nhà ở cho hộ nghèo. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội được bổ
sung qua các năm, đa dạng đối tượng thụ hưởng góp phần quan trọng vào phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Hồ Văn Quân, Giám đốc
Phòng Giao dịch, Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa nói rằng: “Để các nguồn tín dụng
chính sách đến được với người dân, phát huy hiệu quả thì thời gian tới, Phòng
Giao dịch, Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa sẽ tiếp tục bám sát để thực hiện tốt
các chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là các chủ trương về chính sách cho vay ưu
đãi của Chính Phủ; triển khai tham mưu cho UBND huyện cũng như Ban đại diện Hội
đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện có văn bản chỉ đạo về chính quyền địa
phương, các xã, thị trấn để phối hợp tuyên truyền. Đặc biệt, Phòng Giao dịch
NHCS huyện tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương, Đảng ủy ủy Ban, Ngân
hàng CSXH tỉnh chỉ đạo công tác tín dụng chính sách tại địa bàn, tuyên truyền
thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
tín dụng chính sách; phối hợp với các Tổ chức chính trị xã hội về tận cơ sở
tuyên truyền cho bà con, người dân được biết, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng
chính sách được vay vốn làm ăn, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.”
Có thể thấy rằng, với nguồn vốn
tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH huyện cùng với cách làm sát thực đã tạo
hiệu quả trong việc cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Từ đó, góp phần ổn
định xã hội, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo
nguồn lực quan trọng để thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo
bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Bích Liên