Ngày
4/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã ký ban hành Công văn số
5398/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị
xã, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu:
Sở Y tế: Tiếp tục theo dõi,
giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương; thường xuyên
đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử
lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu
dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử
vong; Tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, điều trị tại các
tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm
khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch sởi tại các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình
hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi.
Khẩn trương rà soát đối tượng,
tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các
mũi vắc xin phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là
các vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng
khó khăn, dân tộc thiểu số, dân tộc ít người. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo
kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh
truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ
Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền
nhiễm.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo
các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm
non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sởi theo hướng dẫn của
ngành y tế; theo dõi hằng ngày tình hình sức khỏe toàn bộ học sinh, giáo viên,
cán bộ, công nhân viên, phát hiện kịp thời những trường hợp mắc bệnh và thông
báo cho cơ sở y tế để được cách ly, xử lý kịp thời. Phối hợp với Sở Y tế tổ chức
rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học;
thực hiện tuyên truyền các về các biện pháp phòng bệnh sởi, vận động giáo viên,
gia đình và học sinh tham gia tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi.
Sở Thông tin và Truyền thông:
Tăng cường chỉ đạo cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở
về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống bệnh sởi; thông tin thường xuyên, đầy
đủ, chính xác về tình hình bệnh sởi; ngăn chặn, xử lý thông tin không đúng về dịch
sởi. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp
phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn
của ngành y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế
để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
UBND các huyện, thị xã, thành
phố: Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn;
huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển
khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh sởi. Đảm bảo thuốc, thiết bị, vật
tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi; bố trí đầy đủ kinh phí cho
việc triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh sởi từ nguồn kinh phí địa
phương theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo đúng quy định.
Tăng cường đầu tư, hỗ trợ các
nguồn lực cho hệ thống y tế đảm bảo về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị...
phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch trên địa bàn theo
quy định Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống
bệnh sởi và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban,
ngành đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức
triển khai thực hiện.
Bích
Liên